Định hình lại ngành công nghiệp TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp chung của cả nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ trọng công nghiệp của địa phương này đang có xu hướng chững lại, giảm dần.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam khẩn trương sản xuất đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác. (Ảnh THẾ ANH)
Công nhân Nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam khẩn trương sản xuất đáp ứng đơn đặt hàng của đối tác. (Ảnh THẾ ANH)

Theo các chuyên gia, cơ cấu lại ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng công nghệ cao, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0… đang rất cấp thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng năng lực cạnh tranh.

Tăng sức cạnh tranh từ đổi mới công nghệ

Những năm gần đây, nhà máy 1 và 2, Công ty TNHH JuKi Việt Nam, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng tự động hóa. Nhà máy đã đưa nhiều rô-bốt tiên tiến vào sản xuất thay thế các công đoạn đòi hỏi có độ chính xác cao, giảm bớt sức lao động cho công nhân.

Khi đưa rô-bốt nhúng miệng khuôn vào hoạt động, nhà máy đã tăng năng suất lên gấp hai lần, từ 500 sản phẩm lên 1.000 sản phẩm/ngày. Nhà máy chỉ cần một công nhân hỗ trợ rô-bốt thay vì phải cần từ ba, bốn công nhân như trước khi chưa đưa rô-bốt vào hoạt động. Công ty TNHH JuKi Việt Nam thuộc Tập đoàn JUKI (Nhật Bản)-tập đoàn sản xuất máy may công nghiệp hàng đầu trên thế giới.

Tập đoàn đã thiết lập một hệ thống sản xuất ở bốn quốc gia và có các đại lý tại hơn 170 quốc gia. Ngoài sản phẩm truyền thống là máy may công nghiệp, JUKI còn đưa ra thị trường sản phẩm đúc tinh xảo, máy đóng chíp tự động (SMT), thiết bị điện tử, máy may gia đình... Tại Việt Nam, công ty có bốn nhà máy đang hoạt động đều ở Thành phố Hồ Chí Minh và thời gian tới sẽ có thêm một nhà máy mới cũng tại Khu chế xuất Tân Thuận.

Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Thường trực Công ty TNHH JuKi Việt Nam chia sẻ: Công ty mẹ nhận thấy Việt Nam có thế mạnh và thật sự là địa điểm rất quan trọng ở Đông Nam Á, cũng như châu Á, nhất là sau đại dịch Covid-19, nên đã định hướng chuyển dịch các công ty sang Việt Nam.

Cũng theo ông Cường, Tập đoàn đã thành lập bộ phận tự động hóa và rô-bốt hóa, trong đó, tập trung vào các nhà máy ở Việt Nam để tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào nhân công. Việc đẩy mạnh tự động hóa vào dây chuyền lắp ráp máy may công nghiệp và máy may gia đình là hai ngành lắp ráp mũi nhọn của JuKi.

Bên cạnh đó, công ty mở rộng gia công lắp ráp đối với ngành công nghiệp ô-tô và máy móc thiết bị công cụ khác. Xu hướng là cải tiến, tăng năng suất trung bình theo kế hoạch 10% mỗi năm. Ứng với tăng năng suất lao động là tăng sản lượng sản xuất, tăng doanh thu.

Là công ty chuyên chế tạo máy CNC (máy gia công điều khiển số), cung cấp thiết bị phụ tùng cho máy CNC, gia công chi tiết máy theo yêu cầu có độ chính xác cao…, Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh lại chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.

Với phương châm này, Hiệp Phát dần khẳng định vị thế trên thương trường bằng việc cung cấp các thiết kế, chế tạo, sản xuất và cung cấp rô-bốt; cung cấp bộ truyền dữ liệu cho máy CNC (Micro DNC 2); thiết kế, chế tạo máy phay CNC… cho các đối tác; trong đó có đối tác ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện tử Hiệp Phát cho biết: Công nghệ tự động hóa đã giúp cho nhà máy thông minh hơn, quản lý sản xuất, xử lý tình huống sản xuất nhanh hơn, kịp thời hơn. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, giá thành giảm, công nhân giảm, tiêu thụ năng lượng giảm, giảm sản phẩm lỗi, cung cấp sản phẩm nhanh, nhất là giúp công nghệ xanh hơn và sạch hơn.

Tìm hướng đổi mới mô hình công nghiệp

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2011-2015, công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 5,87%/năm, trong khi công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%. Giai đoạn 2016-2021, công nghiệp của địa phương này tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm.

Tính cả thời kỳ 2011-2021, công nghiệp thành phố chỉ tăng khoảng 4,11%, trong khi công nghiệp cả nước tăng bình quân hơn 7%/năm. Đặc biệt trong năm 2021, công nghiệp thành phố giảm sâu, trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.

Năm 2010, công nghiệp thành phố chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, thì đến năm 2022 chỉ còn chiếm 8,7%. Sự chuyển dịch sản xuất công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp cả nước, cho thấy thành phố không còn nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Ngoài ra, thành phố chủ trương hạn chế thu hút những dự án đầu tư thuộc những ngành thâm dụng lao động phổ thông; sự dịch chuyển sản xuất các dự án sản xuất công nghiệp từ thành phố ra các tỉnh diễn ra trong những năm qua cũng làm giảm tỷ trọng ngành công nghiệp thành phố so với cả nước.

Cùng với đó, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào sản xuất công nghiệp trên phạm vi cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế. Theo một nghiên cứu mới đây, có hơn 50% số doanh nghiệp được khảo sát hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng chưa có ý tưởng ban đầu về chiến lược, số doanh nghiệp đang xây dựng chiến lược chiếm chưa đến 2% số doanh nghiệp được khảo sát và số doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược chiếm chưa đến 5%.

Số lượng doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào sản xuất chiếm tỷ trọng khá thấp trong tổng số doanh nghiệp khảo sát, phần lớn chỉ chiếm dưới 3% tổng số doanh nghiệp khảo sát ở cả Thành phố Hồ Chí Minh và trên phạm vi cả nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển công nghiệp thành phố đã đến giai đoạn hậu công nghiệp. Có nghĩa là giai đoạn này bị lấn át bởi hiệu quả khu vực dịch vụ, và việc lấn át đó sẽ làm cho tỷ trọng công nghiệp ngày càng chững lại và thấp đi. Cơ sở công nghiệp của thành phố nằm xen kẽ trong đô thị đã ảnh hưởng đến chất lượng sống, môi trường sống do ô nhiễm công nghiệp và dẫn đến tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng...

Với các hạn chế nêu trên, chính sách đầu tiên là các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp phải chuyển đổi công nghệ. Muốn thực hiện được, phải có sự cam kết về lộ trình ở phía doanh nghiệp và hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố. Khi hết thời hạn hoạt động, các doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí thay đổi công nghệ, tiêu chí về môi trường sẽ không được thành phố ký tiếp hợp đồng.

Đối với các khu công nghiệp còn không gian phát triển, thành phố khuyến khích thu hút doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao.

Về trung hạn và dài hạn, Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải chuyển đổi các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp theo cách tiếp cận sạch hơn, xanh hơn, công nghệ tốt hơn.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thành Điền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh nên xác định công đoạn cần tập trung trong chuỗi giá trị của mỗi ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Trong đó, thành phố nên đảm nhận khâu nghiên cứu giải pháp công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ đòi hỏi công nghệ cao để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, lắp ráp sản phẩm đầu cuối và phân phối. Đây là những công đoạn có giá trị gia tăng cao, việc sản xuất đòi hỏi công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao, thân thiện với môi trường…

Các chuyên gia cho rằng, thành phố cần cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, những thành tựu của công nghệ 4.0, chuyển đổi số, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo; hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp theo hướng chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu thành các khu chế xuất, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng bốn trụ cột chính: công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng.