Làng cổ Lộc Yên

Mỗi lần về đất Quảng Nam, là một lần được nghe nhắc về một dòng sông kỳ lạ bên ngôi làng đẹp như cổ tích qua khúc hát: Sông Tiên nước chảy ngược dòng/Ai đi đến đó cho lòng vấn vương…
0:00 / 0:00
0:00
Một ngôi nhà cổ trong làng Lộc Yên.
Một ngôi nhà cổ trong làng Lộc Yên.

Từ cây cầu treo Lò Thung, có thể hình dung dòng sông Tiên khởi nguồn từ phía đông, dùng dằng vương vấn chảy ngược về tây, đi qua bao núi đồi của miền trung du Tiên Phước rồi mới nhập vào thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn, xuôi về biển cả.

Qua khỏi cầu treo Lò Thung, một làng quê bất ngờ hiện ra giữa vùng trung du bán sơn địa. Đó chính là làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - ngôi làng còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét dáng điển hình của một làng quê Việt miền trung cổ xưa.

Theo các nhà nghiên cứu, cùng với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) và làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế) thì làng cổ Lộc Yên (Quảng Nam) chính là một trong ba quần thể kiến trúc làng truyền thống của người Việt còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất.

Thật ngạc nhiên khi thấy ngõ và hàng rào luôn được làm từ đá. Ở Lộc Yên, có những hàng rào đá đã tồn tại hàng trăm năm.

Theo thời gian, cây cỏ mọc xen đầy khe đá, tạo nên thảm thực vật phủ kín bề mặt, làm xanh hóa và mềm đi sự khô cứng của đá. Rêu, hoa đâm chồi từ đá. Đá là gam màu chủ đạo trong không gian kiến trúc và văn hóa nơi này. Đá len lỏi vào từng ngõ ngách: đá xây nhà, xếp lối đi, dựng bờ ngõ…

Người dân Lộc Yên luôn tự hào về các công trình xếp đặt từ đá tự nhiên của mình. Chẳng thế mà các trai làng Lộc Yên cứ thích ngâm nga mãi câu của người xưa: Có duyên lấy đặng chồng nguồn/Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui.

Những ngôi nhà cổ nơi đây được coi là những báu vật còn sót lại của kiến trúc làng quê Việt xưa. Khách tham quan sẽ có cảm giác như lạc vào một làng quê ở thế kỷ 19 khi đứng trước những ngôi nhà có tuổi đời hàng trăm năm với tên gọi: nhà rường, nhà rọi, nhà xông, hay nhà lá mái - loại nhà rất phổ biến ở miền trung thời cận đại.

Theo truyền thống, nhà lá mái được xây dựng chủ yếu bằng tre, gỗ và đất; với kết cấu cơ bản là bộ khung nhà được làm bằng gỗ, vách tường làm từ đất nện và đặc biệt, nhà có 2 lớp mái: bên trong là trần đất nện, bên ngoài là mái tranh. Với thiết kế như vậy, ngôi nhà có tính năng giữ ấm vào mùa đông, làm mát vào mùa hè, chống bão và chống cháy.

Ngôi nhà của ông Đồng Viết Mão có tuổi đời gần 200 năm, là một trong gần chục căn nhà cổ còn sót lại ở làng Lộc Yên vẫn giữ được gần như nguyên vẹn kết cấu xưa: nhà có 3 gian 2 chái làm bằng gỗ mít, lưng tựa vào núi, mặt hướng về nam.

Gia đình ông Mão vẫn còn sử dụng chiếc xa quạt bằng gỗ dùng để quạt thóc. Chiếc xa quạt này là vật dụng nhà nông có tuổi đời ngang với ngôi nhà cổ. Chủ nhân xưa của nó - ông nội của ông Mão cũng là một nông dân như ông bây giờ.

Cách nhà ông Mão một khoảnh đồi là ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh. Trong ngôi nhà được xây dựng cách đây gần 2 thế kỷ này còn lưu giữ chiếc bàn gỗ xoay cổ xưa, có thể tự chuyển động khi nhiều người cùng đặt tay lên mặt bàn. Các con cháu của bà Thanh từ lâu đã rời làng xuống phố.

Riêng bà, dường như không thể rời xa không gian sống quen thuộc này, nên vẫn lưu lại để chăm sóc cây trái trong vườn và giữ gìn ngôi nhà cổ.

Lần theo ngõ đá, chúng tôi đến tham quan ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Quảng ở làng Lộc Yên. Ngôi nhà này được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 bởi gia chủ là ông Nguyễn Đình Hoằng, được nhiều nhà nghiên cứu và giới sưu tầm khẳng định là độc nhất vô nhị bởi vẻ đẹp kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc trên gỗ.

Nhà do nhóm thợ làng mộc Vân Hà, Tam Thành, Tam Kỳ xây dựng ròng rã suốt 3 năm. Ông Nguyễn Đình Hoàn, cháu nội cụ Nguyễn Đình Hoằng cho biết: Ngô Đình Diệm khi còn làm quan thời Bảo Đại đã hai lần đích thân đến nơi này gạ mua ngôi nhà nhưng gia chủ không đồng ý.

Cụ Hoằng cũng di chúc lại cho con cháu rằng phải giữ lại ngôi nhà cho đời sau. Đây là một di sản văn hóa kiến trúc quý giá của Việt Nam đang được những nông dân ở làng lưu giữ.

Lang thang mãi dưới những nếp nhà xưa vách đất, bên những bức tường đá trổ hoa lung linh nắng, dưới những vòm cây trái lừng hương trong gió, bước chân chúng tôi không muốn rời xa…

Các bậc tiền nhân hẳn đã có nhiều chủ ý và vô cùng tâm đắc khi đặt cho vùng quê hẻo lánh này cái tên Lộc Yên-Tiên Cảnh, để đến bây giờ, lớp hậu sinh sau bao phen mải miết kiếm tìm, đã bất ngờ gặp lại một chốn xưa với không gian, cảnh sắc đẹp đến ngỡ ngàng như cổ tích. Lộc Yên-Tiên Cảnh là đây.