[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật

NDO - Sau hơn 10 năm khai quật, khảo cổ, đến nay, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích khảo cổ cấp thành phố. Tuy nhiên, Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ sau bổ sung, điều chỉnh, hiện nay vẫn chưa triển khai. Người dân sống trong khu vực quy hoạch của dự án vẫn mỏi mòn chờ di dời, giải tỏa.
0:00 / 0:00
0:00
Mốc cảnh giới cắm tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật.
Mốc cảnh giới cắm tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật.

Toàn bộ diện tích di chỉ khảo cổ này, được phát hiện năm 2011, bắt đầu khai quật khảo cổ năm 2012, 2018. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ, dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng với loại trang trí dây lá đặc trưng và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Chăm, gốm men thời Tống…, đoàn khai quật đề xuất niên đại khởi dựng của Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỷ X và được người Chăm duy trì thờ tự ít nhất là đến thế kỷ XII.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 1

Lối vào di tích, chỉ di chuyển được một chiếc xe máy, chạy vòng sau nhà dân.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 2
Toàn bộ diện tích di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 2011
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 3

Khu vực Hố thiêng - khu vực lõi của di tích sau khi khai quật, phát lộ, trải qua hơn 10 năm – vẫn nguyên vẹn trong lòng tháp. Để bảo đảm hạn chế việc đất đá tiếp tục xói mòn, Hố thiêng được che chắn bằng bao cát và lợp mái tôn.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng) là người gắn bó với di chỉ Phong Lệ từ ngày đầu phát lộ. Thi thoảng “nóng ruột” vì di tích quá, ông lại chạy lên, ghi nhận hiện trạng, kiểm tra lại Khu vực Hố thiêng. Ông tâm sự: “Di chỉ khảo cổ Phong Lệ có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một không gian văn hóa - lịch sử - du lịch, là nơi tiêu biểu cho văn hóa Chăm ở Đà Nẵng. Dù chậm, dù hiện đang vướng nhiều thủ tục theo quy định, nhưng dự án vẫn đang được triển khai là điều đáng mừng. Nghĩa là dự án đang “cựa quậy”. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị, việc này hiển nhiên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu có sự tham gia tích cực của nhiều ngành, đơn vị, chức năng có thẩm quyền thì có thể đẩy nhanh lộ trình thực hiện. Hơn 10 năm, rất may tuy kéo dài như vậy, nhưng nhân dân rất đồng thuận để chờ di dời, đất đai quy hoạch vẫn còn để thực hiện. Thi thoảng tôi quay lại vì lo rằng toàn bộ khu vực đã được phát lộ, khảo cổ này tiếp tục xuống cấp trầm trọng, cỏ cây mọc đầy. Mong muốn ít nhất là giữ được hiện trạng này, và nhanh nhất là có những biện pháp cụ thể để bổ sung, bảo tồn, phát huy, để giá trị của di tích này được nhân lên, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa hiện nay”.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 4
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng)
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 5
Toàn bộ khu vực được quy hoạch vùng lõi này, hiện trạng là cỏ dại mọc đầy, khiến di chỉ khảo cổ này càng thêm hoang phế.
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 6
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 7
Sợ nước mưa tràn mạnh vào Hố thiêng, người dân địa phương đã ghép đá, gạch bao quanh vòng ngoài…

UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND về Phê duyệt điều chỉnh một số nội dung tại Đề án khảo cổ và phát huy giá trị khu di tích Chăm Phong Lệ. Trong đó, đặc biệt điều chỉnh mức vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn kêu gọi đầu tư hợp pháp khác, tổng mức đầu tư dự kiến là 266.796.000.000 đồng. Trong đó, vốn ngân sách để thực hiện giải tỏa đền bù, khảo cổ và đầu tư bảo tồn các hạng mục công trình tại Khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 (khu vực I và khu vực II), gồm: Công tác giải tỏa đền bù, khảo cổ và bảo vệ di tích tại khu vực I: 4.403.830.500 đồng; Triển khai đầu tư dự án giai đoạn 2022-2027, với kinh phí khoảng: 140.736.000.000 đồng. Vốn kêu gọi đầu tư, xã hội hóa: Triển khai đầu tư giai đoạn 2028-2032, đầu tư các hạng mục phát huy giá trị di tích tại khu vực III với kinh phí khoảng: 121.656.280.000 đồng.

[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 8
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 9
[Ảnh] Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ sau hơn 10 năm khai quật ảnh 10
Nhiều gia đình người dân sống trong khu vực vùng lõi di tích này, hằng ngày tùy theo khả năng của mình, vẫn chăm chút cho di tích, chờ ngày di dời, giải tỏa. Họ vẫn giữ lại những cây xanh có tuổi thọ lâu năm tại khu vực này. Và mùa này, cây hoa hải đường đỏ ở ngay khu vực Hố thiêng nở đỏ một góc vườn.