Tìm giải pháp bảo tồn Di sản mỹ thuật dân gian trong kiến trúc, điêu khắc xứ Quảng

NDO - Những giá trị di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng hiện nay khá đa dạng và phong phú. Trước cơn lốc đô thị hoá, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp bảo tồn phù hợp ở nhiều khía cạnh khác nhau, sẽ góp một tiếng nói khách quan, đề xuất các địa phương tiếp tục đẩy mạnh các đề án phát triển, bảo tồn các giá trị di sản văn hoá dân gian trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi toạ đàm sáng 23/9. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Quang cảnh buổi toạ đàm sáng 23/9. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Ngày 23/9, Hội văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng tổ chức toạ đàm Di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng. Từ toạ đàm này, các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn đã khái quát lại những quá trình sáng tạo, biến đổi của các di sản này, qua đó đề ra một số giải pháp để góp phần bảo tồn di sản mỹ thuật dân gian của tiền nhân để lại.

Phát biểu tại toạ đàm, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, cho biết: Toạ đàm này là hướng việc tiếp cận giá trị di sản văn nghệ dân gian vào một số lĩnh vực khác của nghệ thuật tạo hình dân gian như kiến trúc và điêu khắc. Đây là hoạt động chuyên môn góp phần bảo tồn và phát huy di sản mỹ thuật dân gian, tạo điều kiện để các hội viên có môi trường trao đổi học thuật, được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Theo Thạc sĩ Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng: Hiện nay, quá trình đô thị hóa và giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, di sản mỹ thuật dân gian trong nhiều công trình như nhà ở, đình, miếu, đền/tháp, nhà Gươl và các công trình điêu khắc khác đang bị biến đổi trên nhiều mặt. Việc nghiên cứu và ứng dụng các di sản này nhằm góp phần bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa của các bậc tiền nhân để lại là việc làm cấp thiết.

Tìm giải pháp bảo tồn Di sản mỹ thuật dân gian trong kiến trúc, điêu khắc xứ Quảng ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ rất tâm huyết với những đề xuất gìn giữ phát huy di sản mỹ thuật. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc là một chủ đề khá hấp dẫn, thu hút các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam. Riêng ở vùng đất xứ Quảng (Quảng Nam-Đà Nẵng), lâu nay đã có nhiều nhà nghiên cứu để lại dấu ấn của mình trong những công trình nghiên cứu về chủ đề này.

Tại toạ đàm, nhiều tham luận chất lượng, công phu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày bằng cách tiếp cận khác nhau về di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng.

Di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc là một chủ đề khá hấp dẫn, thu hút các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam.

Đây là những bài viết, bài khảo cứu nghiêm túc, khoa học, phân tích và đánh giá về các di sản mỹ thuật dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó một số tham luận đưa ra các giải pháp cụ thể, xác thực như Bước đầu nhận diện kiến trúc-nghệ thuật tạo hình trên gỗ của xứ Quảng của nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ; Bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng

Nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Cơ Tu: Nhìn từ không gian Gươl của nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Tân; Nét đẹp trong điêu khắc dân gian Cơ Tu của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Trinh; Những họa tiết hoa văn trong điêu khắc Chăm của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn; Ý nghĩa của những mô-típ trang trí trên các đình miếu ở Đà Nẵng của nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang…

Tìm giải pháp bảo tồn Di sản mỹ thuật dân gian trong kiến trúc, điêu khắc xứ Quảng ảnh 2

Đình làng Túy Loan (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng) với hơn 500 năm tuổi. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Giá trị của Di sản mỹ thuật dân gian trong kiến trúc, điêu khắc xứ Quảng là rất lớn với hàng ngàn di tích, di sản, đình làng… Và những gì còn lại đến hôm nay, đã và đang là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp trong việc bảo tồn, phát huy và gìn giữ. Các ý kiến tại hội toạ đàm đều mong muốn góp được tiếng nói, đề xuất tâm huyết góp phần chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.