Nhà điêu khắc với những con mắt tượng đài

Với tôi, bản thân nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (ảnh bên) là một tượng đài nghệ sĩ sống động. Ông xù xì trầm tĩnh và có nét gai góc nhưng lại rất hiền lành. Cả xóm quân đội này đều biết tính ông xuề xòa và cả nể. Nhà ông hồi chưa xây cũng tuềnh toàng mái ngói như một cái kho chứa tượng vậy. Thế là kẻ trộm một đêm lẻn vào khoắng một mẻ dăm tượng đẹp nhất của ông…
0:00 / 0:00
0:00
Cụm tượng đài “Kéo pháo”.
Cụm tượng đài “Kéo pháo”.

1/Lần ấy ông hốt hoảng một chập nhưng lát sau còn phá lên cười nói rằng, thằng kẻ trộm này khôn thật lấy đúng mấy tượng về đề tài tình yêu. Mọi người trong nhà cùng cười bởi lẽ trong ánh mắt ông rất vui vì đang hướng về mấy phác thảo dở dang một tượng đài chiến sĩ nằm ngồn ngộn giữa nhà. Bởi lẽ đó mới là sự sống còn của ông đã được ấp ủ từ chiến trường suốt từ năm 1971 tới 1975.

Đồng nghiệp đánh giá ông là nhà điêu khắc hàng đầu về tượng đài chiến sĩ. Đầu tiên phải nói đến tác phẩm “Tượng đài chiến thắng” do chính Quân khu V giao nhiệm vụ cho ông dựng vào năm 1976. Bức tượng cao

12 m, thời điểm đó được coi là “khủng” ở ngay Bảo tàng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng. Sau đó nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được chuyển quân về Xưởng Mỹ thuật quân đội với chức danh Phó giám đốc. 10 năm tiếp theo ông về làm việc ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1995.

Trong suốt mấy chục năm đó, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã dựng nghiệp với đất đá, sắt thép và xi-măng. Ông làm việc như một nông phu cần mẫn trên cánh đồng đầy sỏi đá. Bức tượng với cột chính cao 21 m của ông dựng tại Đoan Hùng, Phú Thọ trong cụm tượng bề thế “Chiến thắng sông Lô” tạo nên dấu ấn kỳ thú vào năm 1987. Rồi sau đó liên tiếp là những tượng đài cao hơn 10 m như “Ngời sáng quê hương” (Đông Hà, Quảng Trị); hoặc “Chiến thắng Quế Sơn” (Quảng Nam); hay “Chiến thắng Nha Trang” (thành phố Nha Trang). Ấy là chưa kể tới những tượng đài lớn ở Buôn Mê Thuột, Vĩnh Phúc, Hải Vân...

Nhà điêu khắc đã lăn lộn hàng năm trời trên Tây Bắc khi triển khai làm hệ thống tượng và phù điêu tại Điện Biên. Ông đưa tôi xem hàng trăm phác thảo trong quá trình thực hiện những công trình này. Có lẽ đây cũng là đỉnh kỷ lục về tượng đài của ông mà không dễ ai vượt qua. Đó là tác phẩm “Kéo pháo” trên núi Nà Nhạn. Cụm tượng dài 21 m, mô tả 29 chiến sĩ cùng kéo khẩu pháo 105 ly. Dàn tượng cao 11 m và ghép bằng 100 khối đá xanh nặng 1.200 tấn (hoàn thành năm 2009)…

Nhìn những bức ảnh khi nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thực hiện ở trên giàn giáo cao ngất ngưởng, tôi nghiệm thấy ông đúng là một vị tướng đang chỉ huy trận địa. Tay nặn tượng mẫu đất. Tay lại đẽo đá hay luyện thép. Những bước chân vạn dặm trên mọi tuyến đường vượt núi cao, người chiến sĩ Trường Sơn, Nam Lào ngày nào vẫn luôn xông xáo bay bổng hát ca cùng đất đá. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001 với những tác phẩm lớn “Tình hữu nghị Việt - Lào”, “Nghĩa trang Ban Mê Thuột” và tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch, Vĩnh Phúc”. Sự say mê lao động sáng tạo ngày đêm đã lấy của ông nhiều sức lực. Cách đây mấy năm ông đã bị đổ bệnh trong một đêm đang tạc tượng. Cánh tay trái đã bị liệt. Nhưng ông không hề nản chí, liên tục sáng tác với cánh tay phải. Hàng chục tác phẩm đầy ám ảnh đã ra đời với những ánh sáng âm thầm hắt lên từ những khối đá trầm tư.

Nhà điêu khắc với những con mắt tượng đài ảnh 1

2/Sau khi xây được ngôi nhà trên mảnh đất cũ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã tạo dựng được mấy gian khá rộng để bày tượng. Ngoài những phiên bản “Tượng đài chiến thắng” đã được thu gọn thì ông đã trưng ra hàng trăm tác phẩm nghệ thuật trung bình và nhỏ. Ba tầng đầy tượng với những chất liệu khác nhau. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo dẫn tôi đi xem từng tác phẩm và xướng tên của chúng lên một cách hãnh diện. Nào là “Khúc tình yêu”, “Trừu tượng”, “Mơ mộng”, hay như “Mẹ và con”, “Thiếu nữ”, “Nỗi cô đơn”... và kể cả bức tượng “Nụ hôn” và “Khỏa thân”. Chúng làm tôi ngạc nhiên và bị cuốn hút với những góc cạnh dị biệt nhưng đầy gợi cảm.

Bóng dáng ông thấp thoáng và run rẩy với những cảm xúc trở lại khi đứng bên những đứa con tinh thần của mình. Biết bao ký ức tràn về. Tôi chậm chạp theo bước chân ông, cùng mơ mộng trước sự lung linh của đá, của đồng. Chúng đang ngân lên những giai điệu tình yêu và thân phận con người. Những bức tượng cô gái và bà mẹ luôn như có ánh mắt dõi theo tôi như muốn gửi gắm tâm tình. Dường như những đôi mắt của họ có tia sáng thầm kín yêu thương. Với những bố cục đa dạng của từng chất liệu, nét điêu khắc và góc cạnh bất ngờ của mỗi tác phẩm như một tứ thơ độc đáo từ đá. Nhất là từ khi nhà điêu khắc sống cô đơn trong ngôi nhà của mình, bức tượng nào của ông cũng có những đôi mắt hiện lên. Khi thì ở trên khuôn mặt, khi lại ở vầng trán hoặc đôi mắt hiện lên từ bờ vai gầy guộc cùng mái tóc đã tàn phai theo năm tháng.

Phải nói đây là những phiên bản tâm hồn chiều sâu của trái tim người nghệ sĩ Tạ Quang Bạo. Đó cũng là phong cách nghệ thuật điêu khắc của ông. Nét dịu dàng của đá được tô điểm cho những người con gái tóc đang bay trước gió hay bóng mẹ âm thầm với chiếc nón dưới cánh đồng lúa vàng. Có lần nhà điêu khắc tâm sự: “Trên đời này không có gì đẹp bằng phụ nữ Việt Nam. Trong chiến tranh họ đã phải chịu đựng gian khổ, hy sinh. Khi làm mẹ, họ ôm ấp, vỗ về và chắp cánh cho những đứa con bay xa. Tôi sáng tác khi nhớ về mẹ của mình”. Tôi như đi mộng du trong thế giới kỳ diệu của đá. Chúng đang hát những cung điệu thiết tha nhất từ suối nguồn dân ca.

Bất ngờ tôi phát hiện ra một bức tượng chiến sĩ hải quân ở phía cuối phân xưởng. Hình tượng người chiến sĩ vẫn nung nấu trong tâm hồn ông. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chậm rãi đi tới bên rồi nói đó là tác phẩm mang tên “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam”. Chùm ánh sáng từ mầu đồng hắt lên như một hào quang rực rỡ. Đây chính là tác phẩm mà ông đã tạc với cánh tay còn lại. Ai có thể hình dung được chứ! Vậy mà ông đã đoạt giải thưởng lớn 5 năm của Bộ Quốc phòng vào đầu năm 2015. Giải thưởng này bổ sung trong bộ sưu tập hơn chục giải thưởng lớn mỹ thuật quốc gia của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Và ngay năm sau ông cũng được Nhà nước trao tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật” (2016).

3/Lúc này, ông hài hước khi đưa cánh tay ra phía trước nói: “Tôi là Bạo nhưng không Tàn”. Với ý nghĩa là người chiến sĩ này tuy “Tàn mà không phế” và yêu cuộc sống thiết tha. Đúng là niềm lạc quan bất tận của một người nghệ sĩ. Đồng nghiệp đánh giá ông rất cao, thuộc nhóm hàng đầu trong làng điêu khắc Việt Nam. Ông mỉm cười ngượng ngùng nhỏ nhẻ: “Tôi đứng hàng thứ 10. Tôi tài không bao nhiêu. Chủ yếu là cần cù bù... thông minh”. Chính vì thế mà nhà điêu khắc giải thích, mình lao động miệt mài với đất đá thâu đêm suốt sáng mà không biết mệt.

Nhưng có nhiều người lại nghĩ khác. Nhất là sau khi ông mở triển lãm điêu khắc mang tên “Chân dung nghệ sĩ” hồi đầu năm 2020. Có người nói đây là cuộc triển lãm đá thế kỷ. Bởi có mấy ai mở được cuộc trưng bày điêu khắc riêng như Tạ Quang Bạo. Đây cũng là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất của ông đến nay. Với những cung điệu đá toát lên tâm hồn của nhân vật, tác phẩm chan chứa nỗi niềm nhân thế và tình yêu thương con người. Chúng có ánh sáng riêng lấp lánh và cất lên thanh điệu trong từng ngấn đá réo rắt tâm hồn của người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn để lại dấu ấn hoành tráng hơn khi dựng đại cảnh tượng “Chiến dịch Điện Biên Phủ” ngay tại chân đồi D1 (TP Điện Biên). Cụm tượng phù điêu này dài tới 58 m với chiều cao 7 m. Tác phẩm được 113 m3 đá ghép lại. Đây là một kỷ lục mang tầm cỡ Đông Nam Á cho đến nay.