Hy Lạp bảo tồn nghề điêu khắc đá

Một nhóm kiến trúc sư ở Hy Lạp đang nỗ lực hồi sinh hình thức nghệ thuật điêu khắc và các công trình xây dựng bằng đá độc đáo của nước này, vốn đang dần mai một.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên của Boulouki đang nghiên cứu kiến trúc cổ. Ảnh: AFP
Các thành viên của Boulouki đang nghiên cứu kiến trúc cổ. Ảnh: AFP

Theo Greek News Agenda, các kỳ quan kiến trúc cổ đại của thế giới như kim tự tháp (Ai Cập), đền Parthenon (Hy Lạp) và Taj Mahaln (Ấn Độ) đều có một điểm chung, đó là được xây dựng từ việc sử dụng nghệ thuật điêu khắc đá. Đá từng là vật liệu xây dựng chính và đóng vai trò lớn trong lịch sử kiến trúc của Hy Lạp. Chỉ đến những năm 60 của thế kỷ trước, khi các vật liệu xây dựng hiện đại như xi-măng và gạch dần chiếm ưu thế, nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống mới dần bị mai một. Trước thực trạng này, Boulouki - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thủ đô Athens đã được thành lập vào năm 2018, với mục đích nghiên cứu và bảo tồn nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống tại Hy Lạp.

Trong tiếng Hy Lạp, Boulouki có nghĩa là “nhóm du hành”, cái tên gợi lên truyền thống du hành và lang thang của những người thợ đá ở thế kỷ 16. Trong giai đoạn này, những người thợ xây dựng đá tại đây nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc vĩ đại ở khắp Hy Lạp và Địa Trung Hải. Mặc dù hiện nay số lượng ngày càng giảm, song vẫn còn một số thợ điêu khắc truyền thống hoạt động tích cực ở Hy Lạp. Panos Kostoulas, người đồng sáng lập Boulouki cho biết, nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức là tìm kiếm và cộng tác với số ít những người thợ đá truyền thống còn lại, qua đó khám phá và tái tạo kỹ thuật xây dựng độc đáo của họ. Boulouki thực hiện điều này thông qua việc nghiên cứu và thử nghiệm áp dụng các kỹ thuật điêu khắc đá truyền thống tại một số vùng ở Hy Lạp. Giống những thợ đá truyền thống, Boulouki cũng “lang thang” từ nơi này qua nơi khác. Trên hành trình của mình, họ dựng nhiều trạm dừng chân và xây sửa lại các tòa nhà vô chủ ở những ngôi làng bỏ hoang.

Việc tu sửa và nâng cấp các khu vực tại Hy Lạp có thể mất nhiều năm để hoàn thành. Trong thời gian này, Boulouki kết hợp tổ chức các hội thảo về điêu khắc đá truyền thống cho các kiến ​​trúc sư, kỹ sư có niềm đam mê từ khắp nơi trên thế giới. Boulouki chủ yếu làm việc, mở lớp và hội thảo ở Epirus, một khu vực miền núi của Hy Lạp, nổi tiếng là điểm giao của các nền văn hóa Balkan khác nhau.

Cho đến nay, tổ chức này đã phát triển một mạng lưới đối tác với nhiều cơ sở học thuật lớn, bao gồm Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens, Đại học Aristotle, Đại học Patras và Đại học Ioannina. Từ đây, nhiều vị giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực phục hồi và quản lý di sản đã tham gia thuyết giảng về công việc của họ trong hội thảo của Boulouki. Những người tham dự hội thảo ở Epirus mô tả đây là một trải nghiệm đặc biệt đáng nhớ khi họ vừa được đào tạo trực tiếp bởi các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, vừa có được cơ hội hòa mình vào văn hóa địa phương. Một học viên chia sẻ: “Điều tôi thích nhất là được học và hiểu thêm về lịch sử phát triển của kỹ thuật điêu khắc đá song song với lịch sử phát triển văn hóa và kỹ thuật này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Ngoài các dự án phục hồi thiết thực, Boulouki còn khởi xướng việc lập bản đồ văn hóa kỹ thuật số ghi chép lại tất cả các tòa nhà và lịch sử của chúng, nhằm lưu giữ minh chứng tồn tại của các công trình kiến trúc cổ xưa ở địa phương. “Dự án này giúp chúng tôi hiểu thêm về di sản địa phương, cả vật thể và phi vật thể, cũng để kết nối với cộng đồng nơi đây,” một đại diện của Boulouki cho biết.

Hiện nay, vẫn luôn có những lo ngại về tác động của việc xây dựng hiện đại đối với môi trường và các nguồn tài nguyên của Trái đất. Boulouki hy vọng rằng những nỗ lực của họ sẽ thành công lưu giữ kỹ thuật xây dựng và điêu khắc đá truyền thống, qua đó đưa ra một giải pháp thay thế bền vững cho các công trình xây dựng hiện đại.