Tiếp sức cho làng nghề phát triển

Mới đây, thành phố Hà Nội đã trao giấy chứng nhận Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức).
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm gốm sứ tại Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, bảo tồn, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1000 năm Thăng Long (huyện Gia Lâm).
Triển lãm gốm sứ tại Trung tâm Thiết kế, sáng tạo, bảo tồn, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1000 năm Thăng Long (huyện Gia Lâm).

Đây là một trong số 10 trung tâm được thành phố thành lập nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề. Tuy nhiên, để hoạt động của các trung tâm này phát huy hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng là một làng nghề có tiếng của thành phố Hà Nội. Tại đây có hơn 4.000 lao động, trong đó có nhiều nghệ nhân, thợ giỏi sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như tượng, đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, cửa võng, sơn son thếp vàng..., phục vụ đời sống tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài nước. Cũng vì vậy mà nơi đây đã được ghi danh là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam” trong sách Kỷ lục Việt Nam.

Để góp phần giúp cho làng nghề ngày càng phát triển, Sở Công thương Hà Nội và Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng.

Trung tâm là nơi trưng bày những sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc nhất của làng nghề, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các nghệ nhân, thợ giỏi, nơi tổ chức trình diễn các công đoạn làm nghề. Mọi người không chỉ đến đây để chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà có thể kết nối đặt hàng, tham gia trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử phát triển của làng nghề…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, việc công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ Sơn Đồng góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm làng nghề.

Để mô hình này ngày càng phát triển, huyện Hoài Đức đề nghị xã Sơn Đồng tiếp tục tạo điều kiện cho trung tâm hoạt động, như hỗ trợ bảo đảm cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; truyền thông, kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho làng nghề...

Bên cạnh Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng, thành phố Hà Nội cũng đã trao giấy chứng nhận cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, bảo tồn, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1000 năm Thăng Long (huyện Gia Lâm).

Ngoài ra, còn có tám trung tâm khác tại các làng nghề gốm sứ Kim Lan, dệt lụa Vạn Phúc, may Trạch Xá, gỗ mỹ nghệ Vân Hà, mây, tre đan Phú Nghĩa… cũng đã có quyết định thành lập. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, chương trình nhằm kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất, kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn thành phố. Việc hình thành các trung tâm cũng nhằm liên kết đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi với đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp để tăng tính thẩm mỹ, sáng tạo cho các sản phẩm làng nghề.

Tuy nhiên, dù các trung tâm này đã được công nhận nhưng trong hoạt động vẫn còn gặp nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và khó khăn trong quá trình vận hành. Tại xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Trung tâm được hình thành trên cơ sở vật chất của trường tiểu học cũ, chưa bảo đảm cảnh quan để thu hút khách tham quan, mua sắm sản phẩm.

Tương tự, Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) cũng hình thành trên cơ sở nhà truyền thống của làng nghề Phú Vinh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh Nguyễn Văn Trung, do cơ sở vật chất hạn chế, cho nên từ khi được công nhận, trung tâm vẫn chưa đón được nhiều khách tham quan, trải nghiệm như kỳ vọng…

Do đó, để đem lại “sức sống” cho các trung tâm này thì cùng với việc thành lập, công nhận, thành phố cần tăng cường đầu tư, nâng cấp trên cơ sở hạ tầng hiện có. Nghệ nhân Vũ Văn Ca (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) mong muốn Trung tâm được đầu tư thêm kinh phí để nâng cấp khu trưng bày sản phẩm cho làng nghề; tổ chức kết nối các tour, tuyến đưa khách tới tham quan du lịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho rằng, cần sớm thành lập Ban quản lý các trung tâm và xây dựng quy chế quản lý bảo đảm hiệu quả. Bên cạnh đó, các trung tâm cần hỗ trợ nhau, trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đổi mới, sáng tạo để có thể nhân rộng mô hình này ra nhiều làng nghề hơn nữa. Nếu làm tốt sẽ góp phần đưa 327 làng nghề, làng nghề truyền thống trở thành 327 điểm du lịch đặc sắc của Thủ đô.