Đầu tháng 4/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam quận Nam Từ Liêm bàn giao nhà Ðại đoàn kết cho gia đình ông Nguyễn Ðắc Mạnh, hộ cận nghèo ở tổ dân phố số 7, phố Hòe Thị (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm). Ngôi nhà trị giá gần 500 triệu đồng, trong đó Quỹ "Vì người nghèo" của quận hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ "Vì người nghèo" của phường hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình, dòng họ hỗ trợ gần 400 triệu đồng để xây nhà và sắm sửa các vật dụng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm Ðỗ Thiện Ðức cho biết: "Năm 2024, hệ thống Mặt trận quận sẽ xây dựng 10 nhà Ðại đoàn kết hỗ trợ các hộ cận nghèo trên địa bàn".
Thời gian qua, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã thay đổi cách thức vận động thu hút nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn theo hướng giới thiệu địa chỉ cụ thể cần giúp đỡ, tuyên truyền lan tỏa những việc làm tốt. Toàn bộ nguồn lực vận động và quá trình trao hỗ trợ đến các địa chỉ khó khăn được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Với cách làm này, năm 2023, Quỹ "Vì người nghèo" ba cấp đã tiếp nhận, đăng ký ủng hộ với tổng số tiền 58,4 tỷ đồng; chi hỗ trợ với tổng số tiền hơn 48,5 tỷ đồng.
Ðây là một trong nhiều dấu ấn của MTTQ các cấp của thành phố sau 15 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội".
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, 15 năm qua, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật, hoạt động hướng mạnh về cơ sở, khắc phục tình trạng "hành chính hóa" trong tổ chức và hoạt động. Ðến nay, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội có 50 thành viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ có tổng số 942.292 hội viên. Hội Nông dân thành phố có tổng số 472.430 hội viên. Trong 10 năm, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội đã giám sát được 68.079 cuộc; tổ chức 9.818 hội nghị phản biện.
Thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được bảo đảm quyền làm chủ, tham gia giám sát các cơ quan chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, xứng đáng là tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Ðồng thời, MTTQ các cấp đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong công tác vận động nhân dân phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ, một số cấp ủy Ðảng chưa thật sự quan tâm lãnh đạo việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội. Công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội với chính quyền, các ban, ngành có lúc, có việc, có nơi chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh trong tập hợp quần chúng, ở một số nơi còn chồng chéo, chưa xác định rõ đơn vị chủ trì thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường cho rằng, để tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương dân chủ. Ðồng thời, tiếp tục củng cố, làm tốt vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để tập hợp được người dân và toàn thể tổ chức chính trị cùng vào cuộc với sự phát triển chung của thành phố.
Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội" do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị tiếp tục nâng cao nhận thức một cách thực chất của cấp ủy đảng các cấp đối với hoạt động của MTTQ các cấp cũng như các tổ chức chính trị-xã hội. Ðối với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay, đồng thời tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; làm tốt công tác tham mưu với thành phố về vấn đề dân vận.
"Làm thế nào để mỗi người dân, mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô phát huy được hào khí Thăng Long, khát vọng cống hiến, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống MTTQ các cấp thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.