Phát triển phố Lãn Ông thành tuyến phố du lịch

Dài chưa đầy 200m, nhưng phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) là một trong những con phố nổi tiếng của Thủ đô. Con phố lưu giữ được nhiều nếp nhà cổ, nhà cũ, đồng thời là nơi hoạt động của hơn 70 cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc Ðông y. Những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều ngôi nhà cổ, nhà cũ và đang phát triển phố Lãn Ông thành một tuyến phố du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu về nghề thuốc phố Lãn Ông trong khuôn khổ Chương trình Giữ nghề xưa trên phố do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức.
Giới thiệu về nghề thuốc phố Lãn Ông trong khuôn khổ Chương trình Giữ nghề xưa trên phố do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức.

Chỉ cần đi ngang qua phố Lãn Ông, sẽ thấy mùi thơm thoang thoảng của các vị thuốc Ðông y. Phố Lãn Ông dài chưa đầy 200m, nhưng có tới gần 70 cơ sở khám, chữa bệnh và kinh doanh thuốc Ðông y. Con phố còn hấp dẫn bởi có nhiều ngôi nhà cổ, nhà cũ với kiến trúc nhà ống đặc trưng của phố cổ Hà Nội xưa. Phố Lãn Ông có lịch sử lâu đời.

Thời Pháp thuộc có tên là phố Phúc Kiến (Rue des Phúc Kiến) do nơi này tập trung đông đảo người Hoa đến từ Phúc Kiến, mang theo nghề bốc thuốc bắc để lập nghiệp và chung sống hòa thuận với người Việt. Theo nhà văn Tô Hoài trong cuốn "Chuyện cũ Hà Nội", vào đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội có hai khu phố làm nghề Ðông y, đông dược.

Trong đó, phố Lãn Ông bán thuốc đã bào chế, còn phố Thuốc Bắc bán thuốc sống. Trải qua những biến động lịch sử, người dân tại nhiều con phố nổi tiếng của Hà Nội như Hàng Ðào, Hàng Gai, Hàng Buồm… đều đã chuyển sang kinh doanh những mặt hàng khác nhưng phố Lãn Ông là một trong số ít những phố còn giữ nghề cổ.

Với những giá trị độc đáo đó, những năm qua, chính quyền quận Hoàn Kiếm đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di sản kiến trúc trên phố. Năm 2014, dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông được triển khai ở đoạn bắt đầu từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc.

Ðây là đoạn phố còn giữ được nét cổ kính với hàng trăm biển số nhà được cải tạo. Các hạng mục được cải tạo gồm: Kiến trúc mặt đứng, mái ngói, biển hiệu, mầu sơn… Sau khi cải tạo, các căn nhà được trả lại nét cổ kính khiến con phố càng trở nên thu hút khách du lịch. Hiện nay, phố Lãn Ông vừa có những cửa hàng chuyên bắt mạch, cắt thuốc lẫn các cửa hàng bán buôn, bán lẻ dược liệu, từ những loại cao cấp như đông trùng hạ thảo, nhân sâm cho đến các loại thuốc phổ thông, các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.

Cùng với chuyên doanh thuốc Ðông Nam dược, các cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên phố Lãn Ông luôn tấp nập người đến thăm khám. Hiện nay, con em các lương y hầu hết đều có bằng cấp, được đào tạo chuyên ngành bác sĩ, y sĩ y học cổ truyền. Một số lương y cao tuổi hiện còn tham gia bắt mạch, kê đơn. Có những gia đình nhiều đời làm nghề đông y.

Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, hoạt động của các phòng khám, cơ sở kinh doanh đông nam dược tại phố Lãn Ông đã góp phần thu hút khách du lịch tới quận Hoàn Kiếm, song nhiều người vẫn chưa biết rõ những giá trị của con phố, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về nghề đông y, phố nghề Lãn Ông. Bên cạnh đó, cần xây dựng một tour du lịch đến tuyến phố để người dân có thể tìm hiểu và có những trải nghiệm chuyên sâu hơn.

Hiện nay, các tour du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng được nhiều người quan tâm. Với lợi thế con phố có nhiều lương y có kinh nghiệm, kiến thức chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản đề xuất, cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tại phố Lãn Ông, bởi nó đem lại nhiều ý nghĩa tích cực và phù hợp giai đoạn hiện nay. Song để làm được điều này cần nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc và kỹ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực đông y.