Tiếp cận kinh tế xanh từ phát triển thị trường tín chỉ carbon

NDO - Ngày 28/11, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm “Tín chỉ Carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham luận tại diễn đàn.
Các đại biểu tham luận tại diễn đàn.

Tọa đàm là diễn đàn nhằm hưởng ứng và góp phần thực hiện chủ trương chung của Đảng, nhà nước về triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực môi trường nói chung trao đổi, chia sẻ về chủ trương, chính sách, quá trình nghiên cứu, xây dựng quy định về tín chỉ carbon… đón nhận các sáng kiến từ các doanh nghiệp.

Qua đó, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia; tạo tiền đề quan trọng kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước chung tay khôi phục và phủ xanh hàng nghìn cánh rừng tại Việt Nam.

Tiếp cận kinh tế xanh từ phát triển thị trường tín chỉ carbon ảnh 1

Các đại biểu dự chương trình tọa đàm.

Dịp này, chương trình hướng đến hai chủ đề chính: “Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ carbon - Giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, phải xem kinh tế tuần hoàn là trọng điểm. Theo đó, kinh tế tuần hoàn phải được lồng ghép vào các chiến lược chính sách phát triển kinh tế-xã hội; gắn với với khuyến khích thể chế đột phá, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại; bảo đảm hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy liên kết và phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Để thực hiện được điều đó, Việt Nam phải thực hiện chuyển đổi xanh và tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide hoặc khối lượng của một loại khí nhà kính khác tương đương với một tấn CO2.

Xét về tổng thể, đây là loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao, mang lại một số lợi ích như: khuyến khích các quốc gia tăng cường trồng và bảo vệ rừng; giúp các công ty hạn chế lượng khí thải phát ra nếu muốn bảo toàn lợi nhuận… và được dự đoán có tiềm năng tăng trưởng lớn, trở thành thị trường bắt buộc và phát triển đi đôi với sự hỗ trợ của công nghệ blockchain trong tương lai.

Phát biểu về tầm quan trọng của thị trường carbon, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Nam chia sẻ: “Thông qua xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon, chúng ta có thể tái khẳng định tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân và thống nhất về tư duy, nhận thức đối với các vấn đề, chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc cấp cao phụ trách Khối Sản xuất và Chuỗi cung ứng Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, chiến lược và các chương trình phát triển bền vững của công ty Suntory PepsiCo cam kết triển khai các hoạt động phát triển bền vững xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất, tạo ra tác động tích cực cho môi trường và cộng đồng, song hành cùng các cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Trong bối cảnh môi trường đang là vấn đề cốt lõi và quốc gia từng bước tiệm cận với nền kinh tế xanh, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và phát triển nhiều chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu đa lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác ứng phó với môi trường. Trong đó, đáng kể đến là đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo, đến tháng 10/2023, đã có 14.264.345 cây xanh được toàn đoàn trồng mới. Đáng nói, giai đoạn 2021-2023, chương trình đã trồng 191.000 cây xanh rừng đầu nguồn tại: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận và Bình Định. Đây các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng từ thiên tai và tình hình thời tiết khắc nghiệt.

Nhân dịp này, Trung ương Đoàn ra mắt bản đồ “Vì một Việt Nam xanh” - bản đồ số cung cấp các thông tin về hệ thống rừng kết quả triển khai chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và “Chung tay phủ xanh Việt Nam”.

Tựu trung, dự án đạt được một số thành tích đáng kể, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, nâng cao nhận thức về môi trường và góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế xanh ở Việt Nam.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia sẻ, kết nối và chung tay hành động vì một Việt Nam xanh”.