Xây dựng và vận hành thị trường các-bon

Nhằm hiện thực hóa chủ trương về phát triển thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước và tham gia thị trường toàn cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực cùng các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động để thị trường các-bon của Việt Nam chính thức vận hành vào năm 2028.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ các-bon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực tiềm năng. (Ảnh: ĐĂNG DUY)
Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ các-bon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực tiềm năng. (Ảnh: ĐĂNG DUY)

Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tới cuộc sống của người dân, cũng như ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Để ứng phó tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra, các nước triển khai nhiều hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường các-bon.

Tại Việt Nam, phát triển thị trường các-bon trong nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên đã nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường”; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016...

Trước đây, do Việt Nam chưa có nghĩa vụ bắt buộc phải cắt giảm phát thải khí nhà kính nên các doanh nghiệp chỉ trao đổi tín chỉ các-bon tự nguyện theo các cơ chế hợp tác quốc tế. Từ năm 2021, Việt Nam mới phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris.

Tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam cam kết giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Do vậy, để vận hành thị trường các-bon trong nước, giai đoạn từ nay đến năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các quy định quản lý tín chỉ các-bon, trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng tạo nguồn tín chỉ các-bon, việc xây dựng các công cụ định giá các-bon, cũng như thị trường các-bon sẽ là động lực mới cho định hướng chuyển đổi kinh tế theo hướng các-bon thấp thông qua các nguồn lực tài chính và công nghệ trực tiếp cho các dự án, cơ sở giảm phát thải.

Cụ thể, theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2020, Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương với 83,9 triệu tấn CO2) với nguồn lực trong nước. Khi có thêm sự hỗ trợ quốc tế, mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính sẽ tăng lên đến 27% so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 250,8 triệu tấn CO2).

Với nguồn lực nội tại, tiềm năng giảm phát thải ở các lĩnh vực: Năng lượng (tương ứng là 51,5 triệu tấn CO2 tương đương), nông nghiệp (6,8 triệu tấn CO2), chất thải (9,1 triệu tấn CO2), các quá trình công nghiệp (7,2 triệu tấn CO2), sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (9,3 triệu tấn CO2)...

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ các-bon, cho thấy tiềm năng rất lớn từ nguồn thu này, thậm chí mở ra một ngành kinh doanh mới.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có đơn vị chứng nhận tín chỉ các-bon đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng từ xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án phải thông qua các đầu mối nước ngoài. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các chủ rừng trong việc xác định quyền sở hữu các-bon, giao dịch chuyển.

Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường cho biết: Hiện Việt Nam đang xây dựng “Đề án phát triển thị trường các-bon trong nước”, trong đó tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp; trao đổi trong thị trường các-bon trong nước và định hướng kết nối với thị trường quốc tế. Để triển khai lộ trình này cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng, kỹ thuật, năng lực kiểm kê và báo cáo của doanh nghiệp. Cả nước hiện có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng thể hạn ngạch của Việt Nam và phân bổ cho các cơ sở trong giai đoạn 2026-2030 và hằng năm. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia cũng sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, nhất là các dự án có tiềm năng tạo tín chỉ các-bon để thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và đây cũng là nguồn tín chỉ để giao dịch, trao đổi trên thị trường.

Các chuyên gia, nhà quản lý lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu cho rằng: Để triển khai và phát triển thị trường các-bon trong nước một cách hiệu quả, Chính phủ cần sớm ban hành đầy đủ quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới; xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon.

Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; sớm thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025, vì theo lộ trình đến năm 2028, thị trường các-bon trong nước của Việt Nam sẽ vận hành chính thức.

Trên cơ sở tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm cho giai đoạn 2026-2030 và hằng năm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh. Căn cứ theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường sẽ xuất hiện các bên có nhu cầu mua hạn ngạch phát thải cũng như các bên có nguồn hàng tín chỉ giảm phát thải; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức để các cơ sở, doanh nghiệp phát triển công nghệ, các bên dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon trong nước hiệu quả.