Tiếp cận các công cụ trí tuệ nhân tạo

Gần đây, không ít người dùng Việt Nam quan tâm đến phần mềm ChatGPT- một sản phẩm công nghệ của Công ty OpenAI (Mỹ) cho phép tổng hợp nội dung từ nhiều văn bản để trả lời câu hỏi của người dùng. Mặc dù chưa được sử dụng ở Việt Nam, nhưng trước những tính năng mới của sản phẩm, nhiều người đã tìm cách để có được tài khoản sử dụng, trải nghiệm khả năng trò chuyện, viết thơ, viết kịch, viết bài luận, bài hát… của ứng dụng này.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Nhiều người dùng cho biết, ứng dụng trả lời nhanh, xử lý ngôn ngữ tiếng Việt khá tốt, nhưng nhiều câu hỏi, nhất là vấn đề chuyên sâu thì không trả lời được, trả lời chung chung hoặc trả lời sai.

PGS, TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, phần mềm ChatGPT sử dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên mô hình dữ liệu lớn và là sản phẩm thông minh, hỗ trợ hiệu quả hơn các công cụ tìm kiếm hiện có. Nếu các ứng dụng hiện có chỉ tìm chính xác các từ khóa trong văn bản, thì ChatGPT cho phép phân tích, tổng hợp nội dung từ nhiều văn bản liên quan để trả lời câu hỏi.

Do đó, thông tin cũng được sàng lọc hơn, hạn chế tin giả, thông tin độc hại. Nhiều chuyên gia công nghệ khá bất ngờ với khả năng của ChatGPT và đang tìm cách tiếp cận công nghệ, nhất là bí quyết công nghệ giúp thu thập, khai thác thông tin rất nhanh.

Nhiều chuyên gia công nghệ và nhà quản lý nhận định, ChatGPT là bước tiến của trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi thế giới theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực.

Đánh giá về các tác động, nhiều chuyên gia công nghệ và nhà quản lý nhận định, ChatGPT là bước tiến của trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi thế giới theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Về nguyên lý, trí tuệ nhân tạo cũng có những sức mạnh và nhược điểm, do đó, người dùng cần khai thác các giá trị của nó và thận trọng với các mặt trái. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người trả lời hầu hết câu hỏi trong một thời gian rất ngắn, nhưng câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào dữ liệu có sẵn, do đó người dùng cần kiểm chứng, nhất là khi dữ liệu mang tính chất cá nhân.

Khi dữ liệu không có, dữ liệu sai thì câu trả lời sẽ không có, trả lời chung chung hoặc sai. Có thể thấy rõ điều này ở phần mềm ChatGPT hiện nay. Các trả lời của ChatGPT dựa trên dữ liệu thống kê từ hàng tỷ thông tin đầu vào được lấy khắp nơi trên mạng internet. Theo đánh giá của người dùng, nhiều câu trả lời vẫn chưa chính xác, thiên vị, hoặc sai lầm một cách nguy hiểm, kể cả những bài toán đơn giản. Ngay cả ChatGPT cũng trả lời cho người dùng biết rằng, hệ thống vẫn có những giới hạn trong việc hiểu và trả lời câu hỏi, có thể chứa đựng những thông tin sai lệch hoặc cũ vì đến hiện tại hệ thống được huấn luyện trên dữ liệu cập nhật đến năm 2021.

Ở khía cạnh là công cụ trợ lý, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo như phần mềm ChatGPT chỉ nên coi là công nghệ hỗ trợ để thu thập giúp thông tin, kiến thức, nhờ gợi ý các ý tưởng theo dữ liệu mà trí tuệ nhân tạo được huấn luyện. Người dùng phải phản biện, xem xét thông tin đúng, sai, coi đó như một tài nguyên tham khảo, sử dụng có trách nhiệm, không nên coi đó là một nguồn tin tuyệt đối.

Trước xu thế khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, trí tuệ nhân tạo đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Cơ quan quản lý cần có những cảnh báo cần thiết cho người dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác hiệu quả công nghệ. Các sản phẩm sáng tạo có sử dụng trí tuệ nhân tạo cần được chuyên gia lĩnh vực kiểm duyệt để đánh giá được năng lực thật sự của người dùng, như trong việc giải các bài tập của học sinh, sinh viên, các bản báo cáo của nhân viên, các bài nghiên cứu khoa học,…

Cơ quan chức năng cần tiếp cận, nghiên cứu các khía cạnh pháp lý của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, như quyền tác giả đối với sản phẩm trí tuệ do trí tuệ nhân tạo tạo ra, vấn đề an sinh xã hội, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo… nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và ứng dụng mạnh mẽ trong đời sống.