Tiền Giang: Chuyển biến tích cực từ các hợp tác xã nông nghiệp

NDO - Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rau màu ở hợp tác xã rau Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Trồng rau màu ở hợp tác xã rau Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó, các hợp tác xã nông nghiệp đã nâng cao năng lực hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện liên kết hợp tác, xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Dần thích nghi với hợp tác xã kiểu mới

Tỉnh Tiền Giang có 189 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 71% tổng số hợp tác xã trên địa bàn, với gần 47.000 thành viên. Trong đó, 105 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tổng hợp, 67 hợp tác xã trên lĩnh vực trồng trọt, 4 hợp tác xã cung cấp nước sinh hoạt; 9 hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm; 3 hợp tác xã khai thác thủy sản, 1 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản.

Các hợp tác xã có sự chuyển dịch từ trồng trọt sang dịch vụ tổng hợp, phù hợp với xu hướng phát triển đa ngành nghề dịch vụ để phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nông thôn.

Hợp tác xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) được thành lập năm 2019, với 59 thành viên và trồng 30ha bưởi da xanh. Đến nay, số lượng xã viên đã tăng lên 124 thành viên, với diện tích trồng bưởi 50ha.

Giám đốc hợp tác xã Mỹ Phong Trần Thanh Phong cho biết: “Nhằm cung cấp vật tư đầu vào có giá hợp lý và chất lượng tốt, hợp tác xã đã chủ động ký hợp đồng mua vật tư với các doanh nghiệp lớn. Từ đó, giá các loại vật tư nông nghiệp của hợp tác xã cung cấp cho xã viên thường thấp hơn 3-5% so với giá thị trường. Ngoài ra, hợp tác xã cũng liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ, chợ đầu mối…để tiêu thụ sản phẩm bưởi cho xã viên. Hợp tác xã thu mua sản phẩm cho xã viên cao hơn thị trường 1.000-2.000 đồng/kg”.

Hiện nay, hợp tác xã Mỹ Phong đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Mỹ. Do đó, giá trị lợi nhuận của mỗi kg bưởi mà xã viên bán ra tăng 20% so với thời điểm trước đây.

Theo bà Trần Thanh Phong, bên cạnh hoạt động sản xuất-kinh doanh, hợp tác xã còn tư vấn kỹ thuật cho nông dân trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn trái và phối hợp ngành chức năng địa phương, doanh nghiệp tổ chức hội thảo chuyển giao kỹ thuật chăm sóc vườn…

Tiền Giang: Chuyển biến tích cực từ các hợp tác xã nông nghiệp ảnh 1

Trồng ớt ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang chú trọng hình thức liên kết cho các hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, địa phương chú trọng liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch và gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ của hợp tác xã rau quả Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang) có 105 thành viên, diện tích canh tác 40ha và trồng 11 loại rau cung cấp cho thị trường, với sản phẩm chủ lực là cải bẹ nhúng, cải bẹ xanh và cải ngọt. Hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết với thành viên và người dân để sắp xếp lịch gieo trồng hợp lý. Sau đó, hợp tác xã thu mua toàn bộ sản phẩm, với mức giá thấp nhất 5.000 đồng/kg và nếu giá thị trường tăng thì hợp tác xã thu mua cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Có thể khẳng định, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có sự phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động nhưng chưa đạt được yêu cầu đề ra trong tình hình hiện nay.

Cần nhiều hợp tác xã phát triển đa dạng, sáng tạo

Kinh nghiệp xây dựng hợp tác xã nông nghiệp thành công thì hợp tác xã đó chịu trách nhiệm cung cấp cho nông dân các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, hóa chất nông nghiệp, thức ăn, trang thiết bị sản xuất và kỹ thuật cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc cũng như các hàng hóa cần dùng cho nông hộ; đồng thời, hợp tác xã phải giúp cho nông dân tiêu thụ các sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản dự trữ và bán các sản phẩm nông nghiệp, vật nuôi dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm…

Tiền Giang: Chuyển biến tích cực từ các hợp tác xã nông nghiệp ảnh 2

Tham quan mô hình trồng lúa chất lượng cao ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).

Nói về kinh nghiệm điều hành để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập cho biết: “Chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cơ chế thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hợp tác xã muốn phát triển phải gắn với chuỗi giá trị và phải phù hợp với điều kiện ở địa phương, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cơ chế, chính sách của nhà nước cần phải tập trung, sát với nhu cầu của hợp tác xã và phát huy được nhiều nguồn lực hỗ trợ hợp tác xã. Riêng các hợp tác xã cần phải hài hòa lợi ích của các thành viên, phát huy tiềm năng, nội lực, nhất là vai trò người đứng đầu hợp tác xã…”.

Đánh giá vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng khẳng định: Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã từng bước trở thành mắc xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; có nhiều mô hình hợp tác xã phát triển đa dạng, sáng tạo, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, khá nhiều hợp tác xã ở địa phương có quy mô hoạt động nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ khoa học - công nghệ, tiềm lực tài chính, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã, công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã còn yếu; công tác triển khai cơ chế, chính sách có lúc chưa kịp thời, còn nhiều vướng mắc chậm tháo gỡ; một số chính sách được ban hành nhưng khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiếu nguồn lực thực; hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán còn rườm rà, phức tạp...

Trong bối cảnh hiện nay, đồng chí Phạm Văn Trọng cho rằng: Hợp tác xã nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội, không gian, tiềm năng sản xuất để phát triển. Vì vậy, các hợp tác xã nông nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các ngành chuyên môn và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp thống nhất, nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vận động nhằm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp...

Mỗi địa phương trong tỉnh Tiền Giang cần tập trung xây dựng, hỗ trợ hình thành 3-4 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, gắn với đặc trưng và lợi thế của từng khu vực để là mô hình điểm và nhân rộng như: Mô hình hợp tác xã phát triển gắn với du lịch nông thôn, hay mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm OCOP; mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ xanh, sản xuất tuần hoàn...