Liên kết sản xuất, tạo đầu ra cho nông sản Đắk Nông

Cùng với cơ chế, giải pháp của cơ quan chức năng thì nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Đắk Nông đang chủ động đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quá trình đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo đột phá trong việc thúc đẩy thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm cà chua hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha.
Sản phẩm cà chua hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha.

Được thành lập vào năm 2021 với 100 thành viên là những hộ nông dân tại địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (huyện Đắk Glong) đã sớm hình thành được vùng sản xuất hơn 200 ha rau củ quả các loại. Sau khi tạo ra được sản phẩm, sản lượng theo chuỗi liên kết, đáp ứng yêu cầu thị trường, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ sản phẩm của xã viên với 15 tiểu thương ở 3 chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha Đặng Ngọc Hương cho biết, sản phẩm rau củ quả hữu cơ làm ra bao nhiêu đều được các bạn hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh thu mua hết. Thành công này xuất phát và quyết định từ việc liên kết chặt chẽ, uy tín với nông dân để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay đơn vị đang tập trung sản xuất, chế biến chuyên sâu các sản phẩm như quả su su, cà tím, khoai lang, bí đỏ, bí xanh, bắp cải, khoai sáp vàng…, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các dòng sản phẩm mới, từng bước đưa sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ trong tỉnh và cả nước. “Điều quan trọng nhất là các nông hộ phải kết hợp được với nhau để tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng đều về mẫu mã, chất lượng an toàn, từ đó mới xây dựng được chuỗi liên kết khép kín, xây dựng được tập thể đoàn kết, uy tín, lớn mạnh. Có như vậy đầu ra của sản phẩm mới được bảo đảm, mới vươn ra được thị trường lớn”, ông Hương nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Loan, hộ liên kết sản xuất cà chua với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha cho biết, gia đình trồng cà chua đã nhiều năm, sản phẩm được canh tác theo quy trình hữu cơ nhưng giá bán cũng chỉ ngang bằng với sản xuất thông thường, nguyên nhân là không có đầu ra ổn định, chủ yếu là bán lẻ ở chợ và thông qua thương lái. Từ khi liên kết trồng rau củ hữu cơ với hợp tác xã, sản phẩm cà chua của gia đình đã có đầu ra ổn định, được hợp tác xã bao tiêu, giá bán cao hơn bán lẻ so với trước. Hiện bà Loan cùng với các nông hộ đang liên kết để mở rộng diện tích sản xuất, với mong muốn tạo ra sản lượng lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm để hướng đến xuất khẩu.

Cùng hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sangs Farm đã liên kết với 27 thành viên sản xuất nông nghiệp tại huyện Đắk Glong, hình thành vùng sản xuất quy mô khoảng 100 ha cây ăn quả và các loại cây trồng lâu năm như cà-phê, hồ tiêu. Hiện sản phẩm của các nông hộ liên kết sản xuất đều được hợp tác xã bảo đảm bao tiêu đầu ra.

Điển hình như sản phẩm bơ và sầu riêng được hợp tác xã liên kết với Công ty Danoca Do để bao tiêu sản phẩm cho nông hộ. Bình quân mỗi tháng, khoảng 10-15 tấn bưởi của hợp tác xã được liên kết với các tiểu thương ở chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương bao tiêu đầu ra…Tổng doanh thu hằng năm của hợp tác xã đạt khoảng 25 tỷ đồng.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ Sangs Farm Ngô Thanh Sáng cho biết, việc liên kết trong sản xuất rất có lợi, sẽ tạo ra sản phẩm đồng đều, tương đồng về chất lượng và giá trị, với sản lượng lớn… nên dễ đáp ứng các tiêu chí của thị trường, nhất là đầu ra của sản phẩm, tạo cơ hội lớn cho người sản xuất.

Mặt khác, việc tạo ra các phân khúc trong chuỗi liên kết sẽ tạo nên tính chuyên nghiệp, người sản xuất chỉ cần tập trung tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng, hợp tác xã sẽ tập trung vào khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung sản xuất, chế biến chuyên sâu các sản phẩm đông lạnh từ bơ, sầu riêng, chanh dây và mặt hàng tinh dầu bưởi… để từng bước tiếp cận thị trường mới.

Đến nay, tỉnh Đắk Nông có 3 liên hiệp hợp tác xã, 210 hợp tác xã đang hoạt động. Tổng số thành viên hợp tác xã khoảng 10.200 thành viên, với số lao động thường xuyên khoảng hơn 4.690 người và doanh thu bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng/hợp tác xã/năm.

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt từ 70-80 triệu đồng/người/năm. Đắk Nông đã có 65 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với khoảng 10.000 hộ dân tham gia. Tỉnh cũng đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về cà-phê, hồ tiêu, lúa nước với quy mô gần 2.500 ha; hơn 85.000 ha các loại cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao; có 60 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP...

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông Nguyễn Khải, liên kết trong sản xuất đang từng bước tạo đà cho kinh tế tập thể phát triển lớn mạnh; hình thành nên những quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, sức lao động. Các hợp tác xã đã quy tụ được nông dân, hình thành vùng nguyên liệu lớn, liên kết sẽ tạo đầu ra cho nông sản tốt hơn.

Những chuyển biến tích cực của các hợp tác xã về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Hiệu quả từ việc liên kết đã tạo nên thành tố mới, góp phần vào thành công trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, nhằm tìm kiếm thị trường cho nông sản, các sở, ngành, địa phương đã chủ động khảo sát phương thức mua bán tại các chợ đầu mối, các siêu thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước; tổ chức diễn đàn để các doanh nghiệp cùng nông dân, hợp tác xã trao đổi thông tin, tìm tiếng nói chung; mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư cơ sở chế biến tại địa phương.

Tỉnh Đắk Nông đang thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể để kết nối nông dân, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Mỗi vùng nguyên liệu sẽ hình thành các hợp tác xã làm đầu mối để kết nối với các doanh nghiệp. Các hợp tác xã sẽ là “bà đỡ” cho nông dân trong các khâu tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ, kể cả vấn đề tài chính tín dụng…

Cùng với việc từng bước đáp ứng những điều kiện để liên kết sản xuất theo chuỗi, tỉnh Đắk Nông cũng đang hướng đến phát triển nông nghiệp đa giá trị, với những mô hình cà-phê, cây ăn trái kết hợp du lịch trải nghiệm… Đây là những bước đi phù hợp để phát triển nông nghiệp thực sự là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đặt ra cho giai đoạn tới.