Theo UBND huyện Thường Tín, đến nay toàn bộ 28 xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðể đạt được kết quả này là do đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện. Huyện đã nêu cao vai trò của người dân trong xây dựng NTM, qua đó đã khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia.Từ khi xây dựng NTM, ở nhiều nơi, mô hình đường hoa được người dân tích cực hưởng ứng góp phần bảo vệ môi trường gắn với xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Nổi bật là hệ thống đường từ trục xã, liên xã cho đến đường làng, ngõ xóm đều được bê-tông hóa, nhựa hóa.
Qua xây dựng NTM, trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung để xây dựng và triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 1.745 ha tại các xã: Nguyễn Trãi, Thắng Lợi, Hòa Bình, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Văn Tự, Văn Bình, Khánh Hà, Hiền Giang, Tô Hiệu. Cùng với đó cũng xuất hiện những vùng sản xuất rau an toàn tập trung với diện tích 545 ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Thư Phú, Liên Phương, Tự Nhiên, Chương Dương, Văn Phú, Dũng Tiến, Vân Tảo, Ninh Sở. Trong đó, vùng rau xã Hà Hồi đã được đầu tư hơn 38 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, nhà sơ chế, hệ thống nước tưới; phân vùng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ninh Sở với diện tích 8,9 ha, trong đó đã thành lập một hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 1,2 ha, doanh thu 6 tỷ đồng/ha/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ðồng thời, huyện cũng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm dưa chuột, khoai tây để phát huy lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm. Riêng sản phẩm khoai tây hằng năm triển khai theo chương trình liên kết sản xuất bảo đảm tất cả sản phẩm đều có đầu ra ổn định.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như mô hình nuôi cá sông trong ao ở xã Tiền Phong; nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; cây ăn quả tại xã Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến, Nghiêm Xuyên; mô hình VAC ở xã Thư Phú; chăn nuôi lợn sinh học tại xã Vân Tảo; chăn nuôi công nghiệp tại xã Khánh Hà, Hồng Vân, Vân Tảo... tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, còn có sáu mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp như chuỗi rau VietGAP tại xã Ninh Sở, Lê Lợi; chuỗi sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ tại xã Khánh Hà. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, hệ thống thủy lợi tại huyện tương đối hoàn chỉnh với tổng số hơn 1.000 công trình lớn, nhỏ đã được đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 100%. Chị Hoàng Thị Nga, xã Quất Ðộng chia sẻ: "Từ khi địa phương triển khai xây dựng NTM đã giúp cải thiện đời sống người dân rất nhiều. Hiện nay, đường làng ngõ xóm khang trang, môi trường bảo đảm. Trong sản xuất nông nghiệp, các hệ thống kênh mương được kiên cố hóa tạo thuận lợi cho người dân sản xuất; khâu tưới tiêu được bảo đảm".
Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Ðào Hồng Thái cho biết, sau một thời gian triển khai với sự đồng thuận của cán bộ và người dân trên địa bàn, đến nay xã đã đạt chuẩn NTM.Trên địa bàn có 98% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm và bể chứa nước hợp vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra, xã cũng phối hợp các trung tâm đào tạo dạy nghề mở các lớp khuyến nông, khuyến công cho người dân được học, nâng cao tay nghề nhằm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nhằm phát huy những kết quả tích cực trong phong trào xây dựng NTM, thời gian tới huyện Thường Tín sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trên cơ sở đó, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xây dựng NTM. Huyện sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện trong xây dựng NTM nâng cao.