Ngày 18/10, ca ghép gan cho trẻ em thứ 50 của Bệnh viện Nhi Trung ương đã được thực hiện thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội sống cho bệnh nhi G.H (3 tuổi) bệnh gan giai đoạn cuối do teo mật bẩm sinh. Người hiến gan là mẹ của bệnh nhi.
Ca phẫu thuật diễn ra với sự phối hợp chặt chẽ của các chuyên khoa Gan mật, Ngoại tổng hợp, Gây mê, Điều trị tích cực ngoại khoa, Trung tâm xét nghiệm cận lâm sàng, Ngân hàng máu, Chẩn đoán hình ảnh…
Từ tháng 5/2021, bằng sự tận tâm và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hành trình dài nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan và trở thành đơn vị có số ca ghép gan trẻ em nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay.
Nhờ phát huy được sức mạnh tập thể của đội ngũ chuyên gia phẫu thuật, gây mê, hồi sức và nội khoa, miễn dịch… ê-kíp ghép gan của bệnh viện đã vượt qua được các rào cản về ghép tạng như ghép gan không tương thích nhóm máu, ghép gan cho các cặp ghép bất đồng nhóm máu, ghép gan cho một số bệnh lý di truyền và đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp, giúp hồi sinh nhiều cuộc đời mới cho các em bé.
Trước đó, từ năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành những ca ghép gan trẻ em đầu tiên với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và gần đây nhất là sự giúp đỡ nhiệt tình từ đội ngũ chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Việc các thầy thuốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ kỹ thuật ghép gan không chỉ có ý nghĩa cứu sống người bệnh, mà còn khẳng định quyết tâm của Ban Giám đốc và tập thể y, bác sĩ bệnh viện trong việc phát huy thế mạnh tập thể, tập trung phát triển kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân với chất lượng tốt nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hiền, người trực tiếp chỉ đạo ca phẫu thuật cho biết, đây là cột mốc đáng nhớ, ghi dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để có được những thành công này, bên cạnh sự cố gắng của toàn bộ ê-kíp ghép gan là sự đồng hành của các đồng nghiệp trong và ngoài Bệnh viện, sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Y tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, sự hợp tác của các chuyên gia trong, ngoài nước và sự hy sinh cao cả của người mẹ đã hiến một phần gan để cứu con mình.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển kỹ thuật để vượt qua các rào cản và khó khăn về kỹ thuật, mang lại sự sống cho các em nhỏ mắc bệnh gan mật hiểm nghèo nói riêng và các giải pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ em Việt Nam nói chung", bác sĩ Hiền bày tỏ.