Không chỉ tăng về số lượng khi thực hiện được 108 ca, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, các thầy thuốc ở đây thực hiện thành công những kỹ thuật khó trong ghép gan. Đây thật sự là kỳ tích, mở ra cơ hội được hồi sinh sự sống của nhiều người khi không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Ca ghép gan đầu tiên tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017, đó là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống (con trai hiến gan ghép cho mẹ). Nối tiếp thành công của ca ghép đó, bệnh viện đã thực hiện ghép gan thường quy hằng tuần với trung bình mỗi tuần một đến hai ca rồi tăng dần, có tuần bệnh viện triển khai ghép 5 ca ghép (tương đương với nhiều trung tâm ghép gan hàng đầu trên thế giới). Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên bản đồ ghép tạng bằng ca mổ lấy mảnh gan (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là trường hợp đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất, đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các Trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu... mới có thể thực hiện được. Phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như can thiệp ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở.
Theo GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có được những thành công về ghép gan, ghép mô tạng trên là do các nhà khoa học, thầy thuốc của bệnh viện đã tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn; được sự quan tâm chăm lo của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như sự hợp tác của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Hội Ghép tạng Việt Nam và sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình bệnh nhân. Sau bốn năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay đã ghép được 8 trong tổng số 11 loại mô tạng với hơn 300 ca ghép (110 ca ghép thận, 108 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 132 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép tủy, hai ca ghép chi thể…). Các ca ghép được thực hiện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. Bệnh viện là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (105 ca).
Bên cạnh làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống (đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não), Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt.
Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu thực hiện 100 đến 150 ca/mỗi năm. Bệnh viện đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đáng chú ý, trong các mô tạng của cơ thể, duy nhất gan có thể tự tái tạo sau khi bị tổn thương, hoại tử, mất đi. Chính vì thế, khi gan bị cắt một phần thì phần còn lại, do nguyên tắc tự bù để phục hồi chức năng sẽ tự sinh ra tế bào mới, tự tái tạo chính các tế bào gan bị thiếu hụt. Sau một thời gian ngắn, có người đã trở về trọng lượng như gan bình thường. Như vậy, hiến gan không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe. TS, BS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật gan mật tụy, Trưởng tiểu ban ghép gan, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, từ số liệu từ 108 ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thì thời gian sống sau một năm là 95%, sau ba năm là 90%, đây là tỷ lệ tốt so với thế giới.
Ghép gan là phương pháp y học hiện đại nhất có thể cứu sống những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, tại nước ta mặc dù đã có chín trung tâm thực hiện được ghép gan, nhưng số lượng ca ghép còn ít vì ghép gan đòi hỏi rất nhiều điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đủ lớn; cần sự phát triển của nhiều chuyên ngành (ngoại khoa, nội khoa, gây mê hồi sức…) để phối hợp, hỗ trợ nhau. Và khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn tạng để ghép. Hướng giải quyết tốt nhất là lấy tạng từ người cho chết não, bởi nguồn tạng từ người cho sống chỉ cứu được một người, nhưng tạng từ người cho chết não có thể cứu tám người. Trong khi đó mỗi năm có hàng nghìn người tử vong do chấn thương sọ não, đây là nguồn tạng có thể lấy ghép cho người cần… Chính vì thế bên cạnh thúc đẩy việc thực hiện các quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, cần tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết của người dân về giá trị của việc hiến, ghép mô tạng.
Thanh Mai