Chinh phục kỹ thuật khó thực hiện thành công 108 ca ghép gan

NDO -

Chiều 20/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công bố sau bốn năm triển khai đã thực hiện thành công 108 ca ghép gan; trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc. Bệnh viện cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (105 ca).

Kíp phẫu thuật Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang thực hiệu một ca phẫu thuật ghép gan.
Kíp phẫu thuật Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang thực hiệu một ca phẫu thuật ghép gan.

Ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện được thực hiện vào tháng 10/2017, đó là ca ghép gan cùng huyết thống từ người cho sống - con trai hiến gan ghép cho mẹ. Nối tiếp thành công của ca ghép trên, bênh viện đã tổ chức thực hiện khai ghép gan thường quy hằng tuần - trung bình mỗi tuần 1-2 ca; tần suất thực hiện các ca ghép tăng lên đáng kể, có tuần bệnh viện triển khai ghép 5 ca ghép (tương đương với nhiều trung tâm ghép gan hàng đầu trên thế giới). 

Tháng 11/2021 là thời điểm ghi dấu sự triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên bản đồ ghép tạng bằng ca mổ: lấy mảnh ghép gan (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam. 

Phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp bậc nhất đòi hỏi trình độ tay nghề cao, trang thiết bị dụng cụ máy móc hiện đại, đồng bộ. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc mới có thể thực hiện được. Phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan đem lại nhiều lợi ích cho người hiến gan như can thiệp ít xâm lấn, giảm đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn, tính thẩm mỹ cao trong khi kết quả tương đương với mổ mở. 

Sau 4 năm thực hiện đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người” tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đến nay, đã ghép được 8/11 loại mô tạng với trên 300 ca ghép (110 ca ghép thận, 108 ca ghép gan, 3 ca ghép phổi, 18 ca ghép giác mạc, 132 ca ghép tế bào gốc, 40 ca ghép tủy, 2 ca ghép chi thể…). Các ca ghép được thực hiện với tỷ lệ thành công và thời gian sống sau ghép tương đương các nước tiên tiến trên thế giới. 

Bên cạnh làm chủ được kỹ thuật ghép gan từ người cho sống (đây là kỹ thuật ghép gan khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não), Bệnh viện đã triển khai thực hiện ghép gan trong nhiều tình huống và nhiều loại hình ghép khác nhau: ghép gan cấp cứu, ghép gan theo kế hoạch, ghép gan lấy từ người hiến chết não, ghép gan lấy từ người cho sống, ghép gan cho người lớn, ghép gan cho trẻ em, lấy ghép gan tại chỗ và tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt với rất nhiều ca đặc biệt. 

Theo GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có được những thành công về ghép gan, ghép mô tạng trên là do các nhà khoa học, thầy thuốc của bệnh viện đã tự tin, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn; được sự quan tâm chăm lo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, sự hợp tác của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, Hội Ghép tạng Việt Nam và sự hy sinh cao cả của người hiến tạng và gia đình bệnh nhân.

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới phấn đấu đạt 100 -150 ca/mỗi năm. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phấn đấu đến năm 2025 là hoàn thiện cơ sở hạ tầng ghép mô, bộ phận cơ thể người đồng bộ; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tiên tiến hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 

Ngày 20/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đón nhận chứng nhận thành viên của Hiệp hội phẫu thuật Hoàng gia Anh. Việc nhận chứng nhận thể hiện trình độ ngoại khoa của bệnh viện ngang tầm các nước trên thế giới. Đồng thời là điều kiện để các thầy thuốc của bệnh trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn.