Thực hiện phân làn đường Nguyễn Trãi: Cần thêm các biện pháp hiệu quả hơn

Sau hơn một tháng thực hiện thí điểm, việc phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vẫn chưa đạt hiệu quả rõ ràng, tình trạng ùn tắc và lộn xộn còn khá phổ biến.
0:00 / 0:00
0:00
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi sau hơn một tháng thực hiện thí điểm phân làn.
Giao thông trên đường Nguyễn Trãi sau hơn một tháng thực hiện thí điểm phân làn.

Điều này chính là lý do Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022, thay vì kết thúc ngày 6/9 như kế hoạch trước đó.

Từ ngày 6/8/2022, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thực hiện phương án thí điểm phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân).

Trên đoạn đường dài khoảng 1,5km này, hai làn sát vỉa hè được dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; ba đến bốn làn sát dải phân cách dành cho xe ô-tô hoạt động.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, sau một tháng thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng (từ ngày 6/8 đến 6/9), Sở đánh giá bước đầu có một số kết quả tích cực.

"Tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào khung giờ cao điểm sáng. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại, đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần bảo đảm an toàn giao thông" - ông Trần Hữu Bảo cho biết.

Tuy nhiên, theo thực tế của phóng viên cho thấy, tình hình giao thông trên tuyến đã có chuyển biến, nhưng chưa rõ rệt. Vào các khung giờ cao điểm, một số phương tiện vẫn di chuyển không đúng làn đường quy định, tình trạng ùn tắc đã giảm, nhưng vẫn xảy ra.

Thống kê cho thấy, chỉ 10 ngày đầu thí điểm (từ ngày 6 đến 16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô-tô và ngược lại (nhất là theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến).

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, trên cơ sở đánh giá mặt được và mặt hạn chế trong thời gian thí điểm, để đánh giá chính xác hơn nữa phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở đã đề xuất thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi cho đến ngày 31/12/2022.

Cùng với đó, Sở cũng đề xuất điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên 6-8m cho phù hợp thực tế; bổ sung các biển báo, hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại đầu dải phân cách; điều chỉnh tổ chức giao thông tại điểm quay đầu gầm cầu vượt Ngã Tư Sở để giảm bớt xung đột, cải thiện tình trạng ùn ứ, ông Bảo chia sẻ

Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội Cao Văn Hiệp cho rằng, cần lắp đặt bổ sung biển hướng dẫn phân làn tại vị trí đầu dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi (đoạn có trụ đường sắt trên cao trước khu đô thị Royal City) để hướng dẫn các phương tiện gồm xe máy, xe thô sơ, xe buýt từ hướng Cầu Mới đi Khuất Duy Tiến đi vào làn đường trong dải phân cách; đề nghị thu hồi bốn vị trí cho phép xe ô-tô con, xe ta-xi đỗ không quá 5 phút trên đường Nguyễn Trãi (đối diện trước các số nhà 227, 230, 277 và 412)... để phương tiện lưu thông thuận tiện hơn.

Trong khi đó, một số ý kiến đề xuất, thời gian tiếp tục thí điểm tới, Hà Nội cần, giảm thiểu tối đa những lối mở không cần thiết, nhằm bắt buộc người dân đi đúng làn đường quy định để hình thành thói quen; đồng thời có chế tài xử phạt với những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý có thể lắp dải phân cách chạy dài toàn tuyến hoặc thay thế vạch sơn chia làn từ vạch đứt, sang vạch liền. Từ đó lực lượng chức năng có cơ sở xử phạt các phương tiện cố tình đi lấn làn. Việc xử phạt vi phạm sẽ là yếu tố quyết định nâng cao ý thức của người dân tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi.