Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Auckland, New Zealand, các nước thành viên CPTPP đã chính thức phê duyệt Anh tham gia hiệp định. Chính phủ Anh cũng thông báo Xứ sở Sương mù đã chính thức ký nghị định thư tham gia CPTPP, theo đó, Anh trở thành thành viên mới đầu tiên và quốc gia châu Âu đầu tiên tham gia CPTPP kể từ khi hiệp định này được ký kết năm 2018. Ðây cũng là hiệp định thương mại lớn nhất của Anh kể từ khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Thỏa thuận này được đánh giá là "cú huých" lớn cho các doanh nghiệp Anh, mở ra cơ hội giao thương với thị trường hơn 500 triệu dân và tiếp cận khu vực rộng lớn hơn. Giới chức Anh khẳng định, đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà London ký kết thời hậu Brexit. Gia nhập CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Anh mở cánh cửa đến các thị trường mới trên thế giới.
Trước khi Anh chính thức gia nhập, CPTPP có 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sự tham gia của Anh sẽ nâng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối từ 12% lên 15% GDP toàn cầu, tương đương 15.700 tỷ USD.
Giới chức Anh khẳng định, đây là hiệp định thương mại quan trọng nhất mà London ký kết thời hậu Brexit. Gia nhập CPTPP gửi đi thông điệp mạnh mẽ về nỗ lực của Anh mở cánh cửa đến các thị trường mới trên thế giới.
Chính phủ Anh cho biết, CPTPP sẽ giúp giảm thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Anh sang các nước thành viên của hiệp định. Hơn 99% hàng hóa xuất khẩu của Anh sang các nước CPTPP đủ điều kiện hưởng thuế quan bằng 0, gồm các mặt hàng xuất khẩu chính như pho-mát, xe hơi, sô-cô-la, máy móc, rượu mạnh.
Ngành dịch vụ của Anh cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm bớt thủ tục hành chính và khả năng tiếp cận nhiều hơn với các thị trường đang phát triển ở Thái Bình Dương có nhu cầu sử dụng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Anh. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào nửa sau năm 2024.
Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins nhận định, sự tham gia của các nền kinh tế lớn trong CPTPP sẽ giúp kết nối Ðại Tây Dương với Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, qua đó củng cố hệ thống thương mại dựa trên luật lệ trong khu vực. Khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương được xem là trọng tâm trong chiến lược "nước Anh toàn cầu" của London.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak từng nhấn mạnh, đến năm 2050, khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương dự kiến đóng góp hơn một nửa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Anh mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực có ý nghĩa quan trọng trên bản đồ địa chính trị thế giới này. Ðối với Anh, CPTPP mang đến triển vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới và tạo việc làm.
Tư cách thành viên cũng sẽ giúp Anh tiếp cận khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương, vốn chiếm 60% dân số thế giới. Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế Anh cho rằng nhờ vào thỏa thuận, một số mặt hàng từ các quốc gia thành viên CPTPP sẽ trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Anh và ngược lại, việc loại bỏ thuế quan sẽ giúp các sản phẩm tốt nhất của Anh dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng ở khu vực Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương.
Trong xu thế bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, việc Anh trở thành thành viên của CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trong khối, tăng cường quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nội khối và liên kết kinh tế toàn cầu. Sự kiện này được hy vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới trong thương mại toàn cầu, với việc nhiều quốc gia mong muốn gia nhập khối, thúc đẩy xu hướng tự do hóa thương mại.