Dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích là một trong nhóm công trình, cụm công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, đi qua địa bàn huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.000 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với nhiệm vụ tạo tuyến dẫn nước từ sông Đà vào sông Tích, làm sạch sông Đáy; cung cấp nước tưới cho 16 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát lũ trong mùa mưa… Dự án khi hoàn thành sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong lĩnh vực thủy lợi, cải tạo môi trường, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân khu vực hai bên bờ sông. Tuy nhiên việc thi công chậm trễ, dở dang kéo dài đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Ông Cao Tiến Đệ, Trưởng thôn 2, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì phản ánh: Hơn 1.000 người dân thôn 2 đã sinh sống nhiều năm ở khu vực ven đồi, nhưng toàn bộ diện tích đất canh tác hơn 20 ha đều nằm ở vùng bãi sông. Đây là vùng đất màu mỡ, thuận tiện cho việc trồng các loại rau màu, cây ăn quả, mang lại nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn. Thực hiện dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích, đơn vị thi công đã đào đường dẫn nước sông Đà từ Lương Phú, cắt ngang thôn 2, gây chia cắt về giao thông. Theo thiết kế, dự án sẽ làm cầu để người dân trong thôn đi qua sông, nhưng các cầu chưa thi công, cho nên việc qua lại hai bên bờ sông vẫn phụ thuộc những tuyến đường cũ. Con đường này vốn đã nhỏ hẹp, nay bị các phương tiện cơ giới hạng nặng thi công công trình phá nát, cho nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa lầy lội, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Người dân muốn đến khu vực sản xuất phải đi đường vòng rất xa.
Cùng chia sẻ về khó khăn của người dân, Bí thư Chi bộ thôn 2 Cao Tiến Đắc nói, vị trí đặt cầu cách nhau quá xa, hơn 3 km, cho nên kể cả khi có cầu thì việc đi lại của người dân vẫn phải đi vòng, bất tiện. Trước khi thực hiện dự án cả thôn có ba đường đi từ khu dân cư ra khu đất canh tác, nhưng theo thiết kế đều bị xóa bỏ. Vì thế người dân đề nghị ban quản lý dự án xây dựng một cây cầu dân sinh từ nhà văn hóa thôn ra cây gạo, tại vị trí con đường cũ của thôn để người dân đi lại bớt khó khăn. Ngoài ra, đơn vị thi công cần sớm bàn bạc, thống nhất với người dân về việc gia hạn hợp đồng mượn đất sản xuất để làm đường phục vụ thi công, bởi hợp đồng đã hết hạn từ năm 2015; khôi phục sân bóng để thanh niên có địa điểm vui chơi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ cống đầu mối Lương Phú, xã Thuần Mỹ (Ba Vì) đến cầu Ó, huyện Phúc Thọ; giai đoạn hai từ cầu Ó đến Ba Thá, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn, cho nên đến nay dự án mới cơ bản hoàn thành hạng mục cống đầu mối Lương Phú và các công trình trên sông từ sau cống đầu mối đến địa phận xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), tương đương gần 12 km và dự kiến phải đến năm 2018 mới hoàn thành giai đoạn một. Việc chậm trễ thực hiện dự án đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bốn xã trong khu vực thi công, gồm Thuần Mỹ, Sơn Đà, Tòng Bạt và Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì). Cụ thể như gây chia cắt giao thông, ách tắc hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, gây úng ngập cục bộ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Thậm chí một số diện tích đất canh tác thiếu nước tưới phải bỏ hoang…
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, dự án tiếp nước, cải tạo sông Tích có 13 cây cầu đã được phê duyệt, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong các buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người dân xã Thuần Mỹ, Sơn Đà và Tòng Bạt đã nhiều lần đề cập vấn đề này. UBND huyện đã đề nghị chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội bổ sung xây dựng ba cây cầu phục vụ người dân vào dự án, nhưng đến nay chưa có kết quả, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân.
Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Hà Nội. Trong điều kiện dự án không được tiếp tục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thành phố cần tìm kiếm thêm nguồn vốn xã hội hóa để bảo đảm dự án đúng tiến độ. Trước mắt thành phố cần yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu xây dựng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch giải ngân; hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình dang dở, trong đó đặc biệt cần quan tâm các công trình phục vụ nhu cầu của người dân như các trạm bơm phục vụ tưới tiêu, đường dẫn lên cầu... Xem xét, bổ sung các cầu dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người dân đã nhường đất phục vụ dự án.