Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Hồng

NDO - Ngày 30/3, Bộ Công thương phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi Hội thảo.

Tham dự sự kiện có đại biểu các bộ, ngành; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với 3 cực tăng trưởng là: Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, mà hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

Trong những năm qua, một số địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước, điển hình gồm: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên,

Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Hồng ảnh 1

Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải mong muốn sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước.

Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 40,62% và 40,64%); các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận tính liên kết vùng nhìn chung vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư.

Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế, xã hội đồng bằng sông Hồng ảnh 2

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

Vì vậy, Hội thảo là dịp để trao đổi giữa các doanh nghiệp với các cấp, các ngành, các nhà quản lý. Bộ Công thương với vai trò quản lý nhà nước sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất nêu tại Hội thảo để kịp thời có các giải pháp phù hợp.

Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đi sâu phân tích để tập trung làm rõ một số nội dung như: Nhận diện thách thức và thời cơ phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; những giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông) phục vụ phát triển thương mại; những giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại dịch vụ phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu…