Thúc đẩy hợp tác lĩnh vực tiêu chuẩn hóa

Trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến đổi khó lường, Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hóa, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật là công cụ hiệu quả, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, loại bỏ rào cản kỹ thuật, phát triển kinh tế bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thiết lập bền vững nhiều năm qua. Mới đây, trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ngày 13/12/2023 có nhấn mạnh đến hợp tác về khoa học, công nghệ, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương, nhất là việc xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp, mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chủ động, tăng cường hợp tác với các cơ quan liên quan của Trung Quốc ở nhiều cấp độ hợp tác khác nhau. Về hợp tác quốc tế lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, Việt Nam và Trung Quốc là những thành viên tham gia tích cực vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế lớn hàng đầu trên thế giới (ISO, IEC, ITU, Codex…).

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực phối hợp, ủng hộ các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO do Trung Quốc đề xuất, hợp tác xây dựng tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC mà hai bên cùng quan tâm như về xe điện, dược liệu, nông sản, bảo tồn di sản văn hóa…

Trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện Việt Nam tham gia Tiểu ban STRACAP thuộc Ủy ban Thực thi Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc. Đến nay, Tiểu ban đã tổ chức được 6 phiên họp, xác định 5 lĩnh vực ưu tiên để đề xuất các phương thức, sáng kiến hợp tác nhằm tạo thuận lợi trong trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN với Trung Quốc, bao gồm: Thực phẩm chế biến sẵn, mỹ phẩm, thiết bị điện-điện tử, sản phẩm gỗ và sản phẩm ô-tô.

Vấn đề hợp tác song phương về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ngày 12/11/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ký bản ghi nhớ với Cục Quản lý Tiêu chuẩn hóa Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin, hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng tiêu chuẩn quốc gia của nhau cho các lĩnh vực, sản phẩm hàng hóa chưa có tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực.

Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu tiêu chuẩn ASEAN của Trung Quốc trong xây dựng tiêu chuẩn về đô thị thông minh, truy xuất nguồn gốc; phối hợp với Trung tâm Thông tin và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quảng Tây tổ chức hội thảo khoa học, chia sẻ thông tin cập nhật về tiêu chuẩn nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin kịp thời, đáp ứng nhu cầu thông tin về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc.

Để triển khai tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc ngày 13/12/2023, nhất là trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho rằng, về mặt chính sách, cần khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả đã thực hiện theo các hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ song phương đã ký kết trong lĩnh vực này; trên cơ sở đó xác định những bất cập, hạn chế, đề ra các mục tiêu mới để tiến hành ký kết các hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn thương mại song phương.

Theo đó cần tập trung vào một số vấn đề sau: Tăng cường hợp tác song phương về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình tốt về cơ chế, chính sách quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chiến lược quốc gia về tiêu chuẩn hóa, thiết lập kênh chia sẻ thông tin, nâng cao hiệu quả phối hợp trong đề xuất, triển khai các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế mà hai bên cùng có lợi ích, quan tâm; hỗ trợ xây dựng năng lực kỹ thuật, phối hợp trong đào tạo nguồn lực, chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thiết lập kênh trao đổi thông tin chính thức, cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu mỗi nước danh mục tiêu chuẩn quốc gia, tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực/được chỉ định của Việt Nam và Trung Quốc (tập trung các mặt hàng chính như nông sản, điện-điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng…) nhằm tạo thuận lợi giao thương hai nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng định hướng lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) theo hướng tăng cường hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc (GB) cho các lĩnh vực, mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Chủ động đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phòng thử nghiệm trọng điểm, tổ chức chứng nhận, tổ chức công nhận quốc gia…) đạt chuẩn mực quốc tế, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) với Trung Quốc về chấp nhận các kết quả thử nghiệm, chứng nhận, giám định… của doanh nghiệp, đối tác Việt Nam, tiết giảm chi phí, thời gian thông quan cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó Giám đốc Phụ trách Văn phòng thông báo và hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa quốc tế trong sản xuất, tận dụng quyền lợi của mình trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của Trung Quốc, khi đó các hàng rào này sẽ được dỡ bỏ ngay từ khi chưa hình thành, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn.

Các thông tin như vậy có thể cập nhật thông qua cơ quan Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đặt tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc qua các điểm thông báo và hỏi đáp quốc gia về lĩnh vực này đặt tại các bộ và qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc.