Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp

NDO - Ngày 10/10, tại Diễn đàn Kinh tế Pháp-Việt Nam 2022 được tổ chức tại thành phố cảng Marseille ở miền nam nước Pháp, lãnh đạo và các doanh nghiệp Pháp nhận định, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với nhiều thế mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nổi bật là tình hình chính trị-an ninh ổn định, vị trí địa lý thuận lợi với nguồn nhân lực dồi dào và năng động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng hoan nghênh sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Pháp dành cho thị trường Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng hoan nghênh sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp Pháp dành cho thị trường Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY)

Tham dự diễn đàn, có đại diện chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng và gần 100 doanh nghiệp Pháp hiện đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, công nghệ và cảng biển.

Đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn kinh tế Pháp-Việt 2022 được tổ chức lần này tại thành phố Marseille, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết đây là dịp tốt để tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam và thành phố Marseille, cũng như thúc đẩy và gắn kết đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tại Pháp.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp ảnh 1
Diễn đàn Kinh tế Pháp-Việt 2022 tại Marseille thu hút sự quan tâm của gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn Pháp trong nhiều lĩnh vực. (Ảnh: MINH DUY)

Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp sẽ nỗ lực để có thể tạo nên những nhịp cầu mới giữa Việt Nam và vùng Aix-Marseille-Provence, tận dụng các thế mạnh của mỗi bên theo những định hướng mới trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, logistics, cảng biển, chế biến lương thực-thực phẩm, năng lượng sạch, hàng không-vũ trụ, y tế-dược phẩm,…

Phát biểu trực tuyến tại diễn đàn, ông Olivier Becht, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương và Người Pháp ở nước ngoài cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp quan tâm tới đầu tư và kinh doanh tại thị trường Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Cùng với đó, Pháp vừa ban hành Kế hoạch quốc gia tầm nhìn 2030 với mục tiêu trở thành một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không và y tế. Kế hoạch quốc gia 2030 của Pháp cũng đề xuất nhiều nội dung cho phép mở ra những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh và giao thông đô thị.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp ảnh 2
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng đoàn công tác tới dâng hoa tại biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Marseille. (Ảnh: MINH DUY)

Các phần trình bày của đại diện các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp đề cập tới các chủ trương phát triển bền vững tại Việt Nam. Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Việt Nam coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp của Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số.

Các cơ quan xúc tiến đầu tư-thương mại của Pháp có chung nhận định Việt Nam có nhiều thế mạnh trong thu hút các vốn đầu tư nước ngoài, như tình hình chính trị-an ninh ổn định, vị trí địa lý thuận lợi với nguồn nhân lực dồi dào và năng động, các cơ chế minh bạch phù hợp với chuẩn mực quốc tế, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế rõ ràng và có chiến lược. Các doanh nghiệp nước ngoài khi tới đầu tư tại Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm hoạt động lâu dài và tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp ảnh 3

Việc gắn tấm bảng kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Pháp phía trước Tòa soạn báo La Marseillaise là minh chứng cho tình cảm sâu sắc của người dân Pháp dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: MINH DUY)

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp về lý do để các doanh nghiệp Pháp nên dành lưu tâm tới thị trường Việt Nam, ông Julien Brun, Phụ trách Quan hệ đối tác, Công ty tư vấn CEL, cho biết, con người Việt Nam vốn thông minh, năng động, ham học hỏi, sáng tạo và độc đáo trong khu vực. Thứ hai, Việt Nam có những cơ chế cởi mở, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế nhằm thu hút được sự quan tâm và vốn đầu tư của các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Thứ ba, các doanh nghiệp tới Việt Nam không chỉ để sản xuất, mà còn gắn bó lâu dài với Việt Nam, bởi đây là một thị trường tiêu thụ cực kỳ sôi động, góp phần vào sự phát triển của các hoạt động thương mại.

Trong khi đó, ông Trần Đăng Hòa, Phó Tổng Giám đốc FPT Software nhấn mạnh, thế giới đang chuyển mình sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với rất nhiều chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số, đòi hỏi nhu cầu về cơ sở hạ tầng thích ứng và nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực IT. Công ty FPT Software hy vọng sẽ được đồng hành cùng các đối tác Pháp trong tương lai tới.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp ảnh 4
Không gian triển lãm của nghệ sĩ người Việt Nam Tia Thủy Nguyễn trong khuôn viên của lâu đài La Coste. (Ảnh: MINH DUY)

Cũng trong chuyến công tác tại Marseille, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã tới dâng hoa tại biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được gắn trên tường mặt trước trụ sở tòa soạn báo La Marseillaise. La Marseillaise là tờ báo ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp trong thời kỳ kháng chiến, biểu tượng của sự tiến bộ và tinh thần đấu tranh vì một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái. Thành phố biển Marseille cũng là nơi Bác đặt chân đầu tiên khi đến Pháp trên con đường tìm đường cứu nước năm 1911.

Cùng ngày, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp có buổi tham quan không gian triển lãm của nghệ sĩ Việt Nam Tia Thủy Nguyễn với chủ đề “Bồng bềnh chốn hư không” trong khuôn viên của lâu đài La Coste gần thành phố Aix-en-Provence.