Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam-Singapore

NDO - Thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore (ITE) sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều nội dung của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tiến tới xây dựng 3 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo mô hình của ITE Singapore.
0:00 / 0:00
0:00
Ký Biên bản ghi nhớ về giáo dục nghề nghiệp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Ký Biên bản ghi nhớ về giáo dục nghề nghiệp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Ngày 17/10, tại Phủ Chủ tịch, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Viện Giáo dục Kỹ thuật Singapore (ITE) đã diễn ra, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob.

Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam-Singapore ảnh 1

Ảnh: Thủy Nguyên.

Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong nhiều nội dung. Đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục nghề nghiệp; hợp tác xây dựng 3 trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo mô hình của ITE Singapore; phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy các chương trình phát triển năng lực cho sinh viên; phát triển học thuật giáo dục nghề nghiệp; các chương trình thực tập cho học sinh, sinh viên tại Singapore và Việt Nam; bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chứng chỉ và bằng cấp về giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hình ảnh giáo dục nghề nghiệp và chia sẻ các mô hình và phương pháp thực hành tốt về phát triển kỹ năng.

Từ trước đến nay, hợp tác chính thức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Singapore còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực tiếng Anh tại Trung tâm Hợp tác Việt Nam-Singapore và tham gia các đoàn công tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và song phương.

Thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn của Singapore. Cụ thể là các đơn vị như: Cao đẳng Bách khoa Singapore (SP) trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cách mạng công nghệ 4.0, ITE (cơ sở đào tạo về giáo dục nghề nghiệp, kỹ thuật cho học sinh sau trung học, người trưởng thành và người học tại doanh nghiệp và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng quốc gia).

Biên bản ghi nhớ đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa hai bên với những lĩnh vực được xác định cụ thể.

Trước mắt, hai bên sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và đội ngũ lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, hai bên chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ của ITE trong việc xây dựng các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao theo mô hình “Một hệ thống ITE, ba trường cao đẳng” rất thành công tại Singpore.

Các hoạt động hợp tác, hỗ trợ này sẽ hỗ trợ tích cực cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc triển khai Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đáng chú ý là mục tiêu xây dựng đầu tư dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 3 miền bắc, trung, nam và các trường cao đẳng chất lượng cao thông minh, hiện đại, xanh, có đủ năng lực tổ chức đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.

Tiếp đó, ITE sẽ có buổi làm việc song phương với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để trao đổi về việc triển khai Biên bản ghi nhớ sau khi ký kết.

Đại diện của ITE cũng thăm Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ tại Đông Anh, Hà Nội, để tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm trong thành lập Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

* Mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.

Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Định hướng đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.