Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp

NDO - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình mới", nhằm lấy ý kiến về việc xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước mục tiêu tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế nhất định.

Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp còn thấp; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải; chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đổi mới giáo dục nghề nghiệp ảnh 1
Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu tại hội thảo.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế chính là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền thiếu quyết liệt; nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp còn chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách cho người học, người dạy, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ; nguồn lực dành cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn hẹp; xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chưa thực hiện tốt dự báo nhu cầu nhân lực về quy mô, cơ cấu, trình độ làm cơ sở cho đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp…

Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), TS Vũ Xuân Hùng chia sẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thống kê, quy mô lực lượng lao động năm 2020 đạt 54,84 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 23,6%, hơn 76% chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn.

Ngoài ra, theo quy luật của thị trường lao động và yêu cầu phát triển chung, tỷ lệ lao động ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải là nhóm có tỷ lệ cao nhất nhưng Việt Nam thì đang ngược lại, lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở đại học (đại học trở lên chiếm 10,9%, cao đẳng 3,7%, trung cấp 4,3%, sơ cấp 4,7%), cứ 1 người học đại học thì chỉ có 0,42 người học giáo dục nghề nghiệp, cũng có nghĩa là người lao động gián tiếp (đại học) nhiều hơn người lao động trực tiếp (giáo dục nghề nghiệp).

Tỷ lệ lao động ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp vốn đã rất thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua, trong khi đó mô hình tiêu chuẩn ở các nước là 1/4/10 hoặc 1/4/20, tức là cứ 1 lao động có trình độ đại học trở lên thường có 10 hoặc 20 lao động ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Điều này còn cho thấy, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau giáo dục phổ thông còn đang nhiều bất cập…

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, từ năm 2010 đến nay, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ban hành 3 Chỉ thị có chỉ đạo quan trọng về giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cần thiết phải có một Chỉ thị mới của Ban Bí thư để có thể đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay.

Theo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, việc ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới là hết sức cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị sẽ giải quyết vấn đề Đảng đã chỉ đạo nhưng quá trình thực hiện chưa đạt kết quả mong muốn, đòi hỏi sự nỗ lực, vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện của cả hệ thống chính trị.

Đồng thời, Chỉ thị góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 35-40% vào năm 2030 và thực hiện nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Đảng chỉ đạo cụ thể hơn đối với một số chủ trương, định hướng lớn về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp…

Theo Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực (thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan). Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới hiện nay, tình trạng thiếu kỹ năng đang ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vốn FDI mới của Việt Nam và hạn chế triển vọng tạo việc làm hiệu quả hơn.