Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Phần Lan

NDO - Sáng 25/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Giáo dục Bộ Ngoại giao Phần Lan Marjiaana Sall về việc hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi trao đổi.
Quang cảnh buổi trao đổi.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn làm việc của Bộ Ngoại giao Phần Lan đến thăm và trao đổi tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ông đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước suốt nhiều năm qua và đặt kỳ vọng vào những hợp tác về đào tạo nghề trong thời gian sắp tới.

“Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực then chốt nhằm phát triển nguồn nhân lực. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, với hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 410 trường cao đẳng nghề”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ.

Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những lĩnh vực then chốt nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết thêm, lực lượng lao động ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Số lượng tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ước đạt hơn 2 triệu người; trong đó, có 20% đạt trình độ trung cấp và cao đẳng, còn lại là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác.

Tiếp theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng thể là “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn”.

Trao đổi với đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại sứ Giáo dục Bộ Ngoại giao Phần Lan Marjiaana Sall cho biết, đào tạo nghề là lựa chọn rất phổ biến ở Phần Lan. Hơn 50% học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đã lựa chọn con đường này. Lý do là vì chương trình giáo dục nghề nghiệp của họ được xây dựng dựa trên những đòi hỏi từ thực tiễn công việc, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khu vực.

Phần Lan xây dựng một hệ thống đào tạo nghề mở. Học viên sau khi tốt nghiệp các trường dạy nghề có thể tiếp tục theo học các cấp bậc cao hơn như đại học. Để đạt được hiệu quả tốt trong đào tạo, mỗi học sinh sẽ có một lộ trình học tập phù hợp từng cá nhân. Các giáo viên cũng được đào tạo bài bản về cả chuyên ngành giảng dạy lẫn kỹ năng sư phạm. Điều này cũng làm cho việc học nghề trở nên hấp dẫn hơn.

Sau khi trao đổi, hai bên thống nhất cao việc tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; kết nối các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam với các doanh nghiệp của Phần Lan tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn doanh nghiệp của Phần Lan có thể tuyển dụng, tiếp nhận các sinh viên đáp ứng đủ điều kiện vào công tác.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm, thành lập các trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.