Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 với kỳ vọng thúc đẩy hòa bình và phát triển

Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) lần thứ 32 đã khai mạc tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Đặc biệt, hội nghị lần này chứng kiến Syria tái gia nhập "ngôi nhà chung" AL. Trước hàng loạt vấn đề cấp bách cần giải quyết, Hội nghị là cơ hội để các nước Arab và khu vực tăng cường đoàn kết, thống nhất lập trường nhằm đối phó thách thức chung.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo các quốc gia của Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 32 chụp ảnh chung. Ảnh: THX/TTXVN
Lãnh đạo các quốc gia của Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 32 chụp ảnh chung. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã tới Saudi Arabia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh AL, đánh dấu sự hội nhập trở lại của Syria đối với khu vực.

Diễn ra vào đúng thời điểm quan trọng khi thế giới Arab nói riêng và toàn khu vực Trung Đông-Bắc Phi nói chung đang chứng kiến những diễn biến mới, Hội nghị hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề nhằm tìm lối thoát cho các cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen, Libya và Sudan, cũng như thúc đẩy nối lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Đây là những thách thức lớn mà các nước thành viên AL phải đương đầu, bởi các cuộc khủng hoảng này đang đe dọa hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực.

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội và văn hóa cũng được bàn thảo nhằm tăng cường sự liên kết để đối phó thách thức, phát huy sức mạnh nội khối, tạo điều kiện giảm đói nghèo và phát triển kinh tế.

Hội nghị lần này diễn ra trong bầu không khí thuận lợi khi một số quốc gia Arab và Hồi giáo đang xích lại gần nhau hơn. Việc Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với cả Syria và Iran, trong khi Ai Cập cũng đang thúc đẩy các nỗ lực để tiến tới việc nối lại quan hệ với hai nước này được kỳ vọng sẽ từng bước mang lại giải pháp chính trị toàn diện cho các cuộc khủng hoảng ở Syria và Yemen.

Tuy nhiên, một số "điểm nóng" như cuộc xung đột giữa Israel-Palestine, xung đột vũ trang giữa quân đội Sudan và nhóm Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), đang tác động tiêu cực tới an ninh và ổn định của khu vực.

Một trong những chủ đề trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Hội nghị là tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Sudan bởi nếu không giải quyết, quốc gia Đông Phi này có nguy cơ bị cuốn vào nội chiến toàn diện. Bên cạnh đó, xung đột dai dẳng ở Sudan cũng có thể biến quốc gia vốn có vị trí chiến lược này trở thành "điểm nóng" của chủ nghĩa khủng bố cũng như khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.

Hội đồng Liên đoàn Arab đã ban hành nghị quyết về việc thành lập nhóm tiếp xúc cấp bộ trưởng Arab để liên lạc với các bên ở Sudan và các quốc gia có ảnh hưởng nhằm đạt được một giải pháp cho khủng hoảng ở Sudan. Nhóm tiếp xúc sẽ bao gồm đại diện của Saudi Arabia, Ai Cập và AL.

Bạo lực leo thang giữa Israel và các tay súng ở dải Gaza, vùng lãnh thổ của Palestine đang gây lo ngại có thể bùng phát thành cuộc chiến, đe dọa sự ổn định của khu vực. Với vai trò trung gian của Ai Cập, Israel và các tay súng Palestine đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, song một giải pháp toàn diện cho tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn cần thêm nỗ lực. Các cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen, Sudan đang khiến tình hình nhân đạo ở các nước này ngày càng xấu đi. Ngăn chặn bùng phát các cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ cũng là mục tiêu mà các thành viên AL đặt ra.

Liên quan vấn đề Syria, các nước AL cần tìm kiếm sự đồng thuận nhằm đưa Syria hội nhập trở lại cộng đồng Arab. AL đã đình chỉ tư cách thành viên của Syria vào tháng 11/2011. Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Syria trở lại AL, song Qatar vẫn là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất việc bình thường hóa quan hệ với Syria. Tuy nhiên, sau quyết định tái kết nạp Damascus, Doha cho biết họ sẽ không trở thành trở ngại đối với sự đồng thuận của Arab. AL cũng đã nhất trí thành lập một ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng để tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Syria.

Saudi Arabia cho biết mong muốn tất cả các quốc gia Arab hợp lực để đạt được các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh nhằm hỗ trợ hành động chung và thúc đẩy sự phát triển trong thế giới Arab. Với nỗ lực của nước chủ nhà và quyết tâm của các thành viên AL, Hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo đà tích cực nhằm thúc đẩy hòa bình và phát triển ở khu vực.