Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022

NDO - Ngày 21/10, tại thành phố Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Trang bị thiết bị bảo hộ chống độc, thiết bị đo trước khi tiếp cận hiện trường để đo, đánh giá an toàn bức xạ khu vực.
Trang bị thiết bị bảo hộ chống độc, thiết bị đo trước khi tiếp cận hiện trường để đo, đánh giá an toàn bức xạ khu vực.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức cuộc diễn tập Nguyễn Thanh Bình; Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Tuấn Khải tham dự và chỉ đạo diễn tập.

Phát biểu khai mạc cuộc diễn tập, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức diễn tập Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế là trung tâm của khu vực miền trung và Tây Nguyên, là cửa ngõ giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không, nên sẽ có nhiều nguồn phóng xạ được sử dụng và trung chuyển qua địa bàn thành phố. Các hoạt động sử dụng và vận chuyển nguồn phóng xạ có thể gặp sự cố vì các nguyên nhân khác nhau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng người dân, môi trường và ổn định xã hội của địa phương.

Theo ông Bình, bên cạnh những lợi ích mang lại từ ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ thì vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, môi trường và cộng đồng xã hội nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ và có những biện pháp phòng ngừa, ứng phó thích hợp. Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn tỉnh.

Thông qua diễn tập sẽ để đánh giá sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã được phê duyệt với điều kiện thực tế, từ đó điều chỉnh, bổ sung kịp thời, góp phần hoàn thiện kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Để tổ chức diễn tập, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng kịch bản cho cuộc diễn tập. Tình huống sự cố giả định là một xe bán tải vận chuyển 1 nguồn phóng xạ (Cs-137 hoạt độ 100mCi) qua địa bàn TP Huế, trên xe có người lái và nhân viên áp tải nguồn phóng xạ.

Khi đang tham gia giao thông trên đường, xe vận chuyển nguồn phóng xạ đã va chạm mạnh với xe tải chạy ngược chiều. Sự cố tai nạn đã làm người lái xe ô tô chở nguồn phóng xạ, nhân viên áp tải bị ngất và kẹt trong xe. Một số người dân đang đi trên đường chạy đến cứu lái xe và nhân viên áp tải. Người dân gọi điện thoại đến Cảnh sát 113, 114 để thông báo về vụ tai nạn và cứu nạn cứu hộ nạn nhân bị mắc kẹt trong xe, đồng thời gọi điện xe Cứu thương 115 để cấp cứu lái xe và nhân viên trên xe bán tải.

Sau khi sự cố xảy ra, công an phường, cảnh sát giao thông, cảnh sát kỹ thuật hình sự, lực lượng phòng cháy chữa cháy đến hiện trường khoanh vùng, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, cứu nạn nhân bị mắc kẹt trong xe bán tải vận chuyển nguồn phóng xạ; lực lượng y tế đến hiện trường, sơ cứu người bị thương.

Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh đã khởi động kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, điều động các lực lượng tham gia và triển khai các hành động ứng phó cần thiết để xác định vị trí nguồn phóng xạ; đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ và thu hồi nguồn phóng xạ, bảo đảm an toàn cho công chúng và môi trường.

Buổi diễn tập huy động hơn 80 người từ các sở, ban, ngành và lực lượng vũ trang trong tỉnh tham gia ứng phó, xử lý tình huống. Ngoài ra, để phục vụ diễn tập ứng phó, xử lý còn có các trang thiết bị chuyên dùng để đo nhận diện đồng vị phóng xạ, nhiễm bẩn phóng xạ, thiết bị bảo hộ chống nhiễm bẩn phóng xạ, thiết bị thu gom nguồn phóng xạ cùng các trang thiết bị khác như xe chữa cháy, xe cứu thương...

Quá trình ứng phó sự cố được triển khai thực hiện nhanh chóng, khẩn trương, đúng quy trình và đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn bức xạ cho lực lượng tham gia ứng phó sự cố cũng như người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Buổi diễn tập đã được triển khai đúng kịch bản. Các thành viên và các đơn vị tham gia nắm được vai trò và thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi diễn tập, Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Nguyễn Tuấn Khải đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng kịch bản phù hợp; sự phối hợp của các đơn vị tham gia ứng phó sự cố để buổi diễn tập của tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra thành công. Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đề nghị toàn bộ các lực lượng có liên quan của tỉnh tiếp tục rút ra kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch ứng phó chặt chẽ, phù hợp hơn nhằm sẵn sàng trong công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong diễn tập; Sở Khoa học và Công nghệ tặng giấy khen cho 12 cá nhân có thành tích trong diễn tập.

Một số hình ảnh tại diễn tập

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 1

Lực lượng chức năng tiếp cận cấp cứu người bị thương, ứng phó tại hiện trường.

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 2

Lực lượng chức năng tiếp cận xử lý hiện trường.

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 3

Bảo đảm an toàn trước khi tiếp cận hiện trường xử lý sự cố.

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 4

Lực lượng Y tế tiến hành sơ cấp cứu lái xe và phụ xe chở nguồn phóng xạ.

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 5

Lực lượng chức năng tham gia xử lý các tình huống, thực hiện chữa cháy tại cuộc diễn tập.

Thừa Thiên Huế diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2022 ảnh 6

Các tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong diễn tập.