Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6

NDO - Ngày 17/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra công điện khẩn gửi các địa phương, đơn vị, chủ các hồ chứa, đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn về công tác sẵn sàng ứng phó bão số 6, đồng thời khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa lũ vừa qua, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Quân đội cùng dân quân địa phương tập khắc phục các điểm sạt lở và nhà ở bị sập tại thôn Phước Tượng, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).
Lực lượng Quân đội cùng dân quân địa phương tập khắc phục các điểm sạt lở và nhà ở bị sập tại thôn Phước Tượng, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế).

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết về diễn biến xấu của thời tiết trên biển để chủ động phòng tránh. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bao gồm tàu bãi ngang ven biển, đầm phá.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt và thường xuyên thông báo, cảnh báo tình hình mưa lũ, mực nước, lệnh vận hành hồ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân vùng hạ du để chủ động phòng tránh.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 1

Lực lượng vũ trang tỉnh huy động cán bộ, chiến sĩ cùng thanh niên trong tỉnh dọn bùn, vệ sinh các tuyến đường tại thành phố Huế sau khi nước lũ rút ra.

Các địa phương tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra. Nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra và tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, rà soát chủ động sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Nhằm bảo đảm an toàn sau lũ, các địa phương cần hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hạn chế thiệt hại về người, đặc biệt là các tai nạn thương tích đuối nước sau lũ. Nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ, đầm phá.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 2

Các lực lượng chức năng ở A Lưới dọn dẹp vệ sinh giúp dân sau mưa lũ.

Nhiều điểm sạt lở đã khắc phục, thông tuyến trở lại

Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế cho biết, đến chiều 17/10, nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn Thừa Thiên Huế cơ bản đã thông xe nhưng còn nhiều tuyến đường tỉnh lộ vẫn ngập nước sau lũ.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 3

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh dùng phương tiện xe phun nước làm sạch các tuyến phố sau lũ.

Theo Sở Giao thông vận tải, trong ngày 17/10, đã cơ bản thông xe trở lại bình thường trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A lên huyện A Lưới; tuyến đường sắt đã khôi phục trở lại. Chỉ còn một số tuyến tỉnh lộ và giao thông liên xã các vùng thấp trũng như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang bị ngập cục bộ, đã bố trí rào chắn tại các điểm ngập sâu.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 4

Các trường học trên địa bàn, ngày 17/10, cũng đã tập trung dọn bùn, vệ sinh trường lớp sau khi lũ rút để kịp đón học sinh trở lại trường.

Ngay sau khi nước lũ rút, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đã phối hợp Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng khôi phục lại hệ thống biển báo bị hư hỏng, dọn dẹp cây xanh, rác thải, đất đá trên các tuyến đường giao thông.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 5

Các lực lượng chức năng ở huyện A Lưới dọn dẹp vệ sinh giúp dân sau lũ.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đợt lũ lớn diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10 đã khiến hệ thống giao thông trong tỉnh bị ngập lụt nặng, nhiều điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 1A, tuyến bắc-nam qua hầm Hải Vân; cao tốc La Sơn-Túy Loan... làm gián đoạn giao thông trên địa bàn từ tối 14/10.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 6

Nhiều tuyến giao thông hư hỏng, vẫn chưa kịp sửa chữa, được đơn vị chức năng cắm biển ngăn chặn không cho lưu thông, tránh nguy hiểm xảy ra.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (chủ đầu tư hầm Hải Vân) cho biết, mưa lớn vào ngày 14/10 đoạn ở cửa hầm Hải Vân phía nam bị nước lũ từ trên núi kéo theo đất đá vùi lấp gần12.000m3.

Ngay trong đêm, Xí nghiệp Quản lý Vận hành hầm Hải Vân đã tập trung toàn bộ ca trực và tăng cường xe xúc để xử lý thu gom đất đá ở khu vực bị ảnh hưởng để thông tuyến hầm trở lại vào chiều 16/10.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 7

Các lực lượng giúp dân dọn bùn, đất đá tràn vào nhà do sạt lở núi tại huyện Phú Lộc.

Trên tuyến Quốc lộ 49A, đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua A Lưới, nhiều đoạn bị sạt lở ta-luy dương với hàng trăm khối đất đá. Chi cục Quản lý đường bộ II.5 (Bộ Giao thông vận tải) đã phối hợp Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế huy động nhân lực, máy móc khắc phục thu dọn, giải phóng hết khối lượng đất đá sạt lở trên các tuyến nhằm bảo đảm lưu thông an toàn vào chiều 16/10.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 8

Tuyến đường từ trung tâm huyện Phong Điền lên các xã miền núi Phong Thu, Phong Mỹ, Phong Xuân vẫn còn ngập, làm gián đoạn giao thông.

Hiện tại, trên Quốc lộ 49B có nhiều điểm còn ngập lụt, nhất là khu vực Km1+400 đến Km5+400 qua địa bàn xã Phong Hòa (huyện Phong Điền) ngập 0,25m; đoạn Km5+900 đến Km11+200 qua xã Điền Hương (Phong Điền) ngập 0,3-0,5m và đoạn km47+900 thuộc xã Phú Thanh (thành phố Huế) còn ngập nước gần 0,25m. Nhiều tuyến Tỉnh lộ 4, 8, 10C, 10A... nhiều đoạn vẫn còn ngập từ 0,25-0,3m; đặc biệt tại Tỉnh lộ 6 tại Km1+400 đến Km1+500 thuộc thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu (huyện Phong Điền) còn ngập từ 0,9-1m, hiện đang được các đơn vị chức năng cảnh giới rào chắn an toàn giao thông ở hai đầu. Riêng hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố Huế đến chiều 17/10 cơ bản đã hết ngập nước, chỉ còn vài tuyến tuyến ở khu vực vùng thấp trũng như các xã, phường: Hương Phong, Phú Thanh, Phú Mậu… và khu vực Thành nội Huế còn ngập cục bộ từ 0,1-0,15m.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 9

Hiện tại, nhiều tuyến đường thuộc các khu vực vùng thấp trũng vẫn còn ngập nước, gây khó khăn cho bà con đi lại, sinh hoạt.

Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan đánh giá mức độ thiệt hại về đường sá, các công trình giao thông hư hỏng do bị ảnh hưởng mưa lũ để kịp thời khắc phục, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, chuẩn bị ứng phó bão số 6 ảnh 10

Đến ngày 17/10, nhiều trường học vùng thấp trũng trên địa bàn Thừa Thiên Huế vẫn ngổn ngang cho nước lũ chưa rút hết.

Các địa phương cũng đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, đội xung kích phòng, chống thiên tai, cán bộ nhân viên phối hợp lực lượng công an, quân đội cùng phương tiện chi viện từ cấp tỉnh, cấp huyện để khắc phục nhà cửa, các công trình bị hư hỏng; đồng thời, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.