Cùng dự Hội nghị, có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; lãnh đạo các bộ, cơ quan trung ương, lãnh đạo 11 tỉnh và thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng; các thành viên Hội đồng.
Hội nghị lần thứ hai được tổ chức sau Hội nghị lần thứ nhất đã diễn ra vào 20/7/2023, công bố thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng theo Quyết định số 826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc và là cực tăng trưởng của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị. |
Vùng gồm 11 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (trong đó, có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng).
Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; với dân số là 22,92 triệu người, chiếm 23,49% dân số cả nước; mật độ dân số 1.087 người/km2, cao nhất so với các vùng khác và gấp 3,66 lần so với mật độ trung bình chung của cả nước.
Vùng có vị trí trung tâm, được coi là cửa ngõ phía bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - một thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Vùng có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia với lịch sử hàng nghìn năm, có quy mô dân số lớn nhất cả nước với lực lượng lao động có trình độ cao. Nơi đây cũng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước về cả đường bộ với hệ thống cao tốc dài nhất cả nước lẫn đường biển, đường sông, đường hàng không và đường sắt. Vùng có hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh; trong đó, hạt nhân là Thủ đô Hà Nội - đô thị loại đặc biệt.
Vùng có cơ cấu kinh tế khá tích cực, khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ giữ vai trò trụ cột, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2015 cho tới nay, vùng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, gấp 1,37 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung cả nước.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. |
Tuy nhiên, đồng bằng sông Hồng có không ít hạn chế và khó khăn, thách thức lớn như: tăng trưởng kinh tế của vùng thời gian qua chưa thực sự ổn định và chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Cơ cấu ngành nghề chưa hiện đại, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thiếu vững chắc. Trình độ công nghệ còn thấp, hiệu suất phát triển chưa cao. Doanh nghiệp chủ yếu là quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Tổ chức không gian, bố trí lãnh thổ còn bộc lộ nhiều bất hợp lý, đặc biệt là sự quá tải tại các khu vực đô thị ở nội đô Hà Nội, Hải Phòng. Cùng với đó là ảnh hưởng khách quan của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường…
Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn đến năm 2045: “Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới…”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Việc triển khai thiết lập và hoàn thiện quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng trong thời điểm này có nhiều thuận lợi để cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu đã được xác định tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng; cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn; giải quyết các vấn đề xung đột giữa các ngành, lĩnh vực trên địa bàn vùng; triển khai nghiên cứu các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào nội dung Quy hoạch với mục tiêu khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đồng thời, hóa giải khó khăn, hạn chế và vượt qua thách thức để vùng phát triển nhanh, bền vững.
Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng, vị trí chiến lược của khu vực đồng bằng sông Hồng đối với đất nước, do đó cần quy hoạch để phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, quy hoạch phải đi trước một bước.
Thủ tướng yêu cầu phải kết nối quy hoạch tỉnh, thành phố với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng phải kết nối quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây cũng là động lực mới cho tăng trưởng của vùng.
Thủ tướng cho rằng tiềm năng, cơ hội của vùng hết sức khác biệt, nổi trội, vấn đề chúng ta có chỉ ra được không. Thí dụ Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, lại gắn với vùng đồng bằng sông Hồng - trung tâm của nền văn minh lúa nước nhưng chưa được nêu bật hết; rồi vấn đề truyền thống văn hóa, lịch sử ở đây cũng khác biệt, lâu đời.
Tiềm năng, cơ hội của vùng hết sức khác biệt, nổi trội, vấn đề chúng ta có chỉ ra được không.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng cho rằng vùng đồng bằng sông Hồng cũng là cửa ngõ của ASEAN nối với Trung Quốc, trong đó đặc biệt là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái kết nối ngắn nhất với vùng phát triển năng động nhất của Trung Quốc; vùng có lợi thế kết nối với Trung Quốc cả đường bộ và đường biển. Tuy nhiên, những vấn đề này cũng chưa được nêu đậm nét trong quy hoạch vùng.
Thủ tướng nêu rõ, trong vùng đồng bằng sông Hồng có truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm linh rõ nét; đồng thời phải làm sống lại các dòng sông vốn đang bị cạn kiệt tài nguyên, bị xâm lấn dưới tác động của con người. Đây là khu vực có mật độ đông dân nhất cả nước; bên cạnh đó, khu vực có địa hình đa dạng, phong phú để phát triển công nông nghiệp, du lịch gắn với tâm linh, từ đó quan điểm của chúng ta là khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đi đôi với đó là các chương trình, dự án đi kèm với các cơ chế, chính sách. Chúng ta phải hóa giải được những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn của vùng, đó là vùng có diện tích bé nhưng dân số lớn, do đó phải đô thị hóa; khai thác, phát triển không gian ngầm và trên không, tăng cường đổi mới sáng tạo…
Về vấn đề môi trường, chúng ta khẳng định quan điểm không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Do đó, phải có giải pháp, dự án, nguồn lực, cơ chế, chính sách để xử lý vấn đề rác thải, ô nhiễm… Thủ tướng cũng nêu rõ, về vấn đề lao động thì không phải chỉ là đào tạo nguồn nhân lực cho vùng này mà là đào tạo có tính dẫn dắt, điều phối nhân lực cho cho cả nước. Vùng có tiềm năng, cơ hội lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; cơ chế, chính sách cũng không thể chỗ nào cũng giống chỗ nào.
Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng đề nghị quan điểm lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, đó là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa; phải có cơ chế, chính sách mới có nguồn lực, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất, con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng cho rằng, đối với yếu tố thiên nhiên cũng cần có cơ chế, chính sách để phát huy tối đa lợi thế, bảo vệ môi trường; cùng với đó, yếu tố văn hóa cũng rất quan trọng, thí dụ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phải được đầu tư để thu phí; cần coi trọng phát triển du lịch tâm linh.
Thủ tướng cũng nêu bật cần coi trọng nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, gồm vốn đầu tư FDI, vốn vay, công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, học tập các kiến thức của nhân loại.
Thủ tướng đề nghị làm rõ các động lực mới là đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng bởi đây là một xu thế; phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo (gồm nước, gió, nắng là lợi thế của ta). Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp, vùng Đồng bằng sông Hồng phải làm chủ về nông nghiệp; phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tiết kiệm, khai thác hiệu quả quỹ đất; xác định rõ vùng chuyên cho nông nghiệp; một số nơi như Thái Bình phải tính tới lấn biển, thậm chí cả Nam Định, Ninh Bình.
Thủ tướng khẳng định phát triển giao thông phải đi trước một bước, có giao thông thông suốt thì sẽ phát triển các ngành khác, có không gian phát triển mới, các nhà đầu tư sẽ tự đến đầu tư.
Về phát triển thêm sân bay, Thủ tướng cho rằng việc đầu tư này cần cân nhắc vì trong vùng có 3 sân bay quốc tế lớn (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), do đó có thể cân nhắc đầu tư một sân bay trung chuyển quốc tế lớn chứ không phải là sân bay nội địa nhưng vấn đề là nghiên cứu tìm quỹ đất, rồi phải cân đối, hài hòa với các sân bay khác. Về vấn đề cạnh tranh quốc tế, chúng ta phải xây dựng phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế bởi khu vực này liên quan chặt chẽ với Đông Bắc Á - khu vực phát triển năng động nhất…