Chọn khâu đột phá
Ở tỉnh Hà Nam, chính quyền địa phương đang ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, phường. Một trong những lĩnh vực mang lại hiệu quả rõ nét là việc thực hiện đề án chuyển đổi số trên lĩnh vực y tế. Ông Trần Văn Hùng, một người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Tôi thấy rất tiện lợi. Đến khám bệnh, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Tất cả thông tin đã được tích hợp nên không phải chuẩn bị nhiều giấy tờ như mọi khi nữa”.
Liên quan việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về phòng cháy chữa cháy, đại diện một doanh nghiệp của huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) cho biết: Trước đây, chúng tôi phải đi lại nhiều lần. Nay, nhờ việc triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đã giảm đáng kể thời gian và tránh phiền hà cho doanh nghiệp.
Nhằm tạo sự đột phá trong cải cách hành chính trên địa bàn, trong năm nay tỉnh Hà Nam đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh với hệ thống trang thiết bị hiện đại, giúp các cấp lãnh đạo nhìn thấy toàn cảnh về địa phương trên mọi lĩnh vực, qua đó có thể giám sát, điều hành công việc một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký 56 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn với tổng số 458 thủ tục. Trong đó, tỉnh đã bãi bỏ 88 thủ tục và thay thế năm thủ tục; tổng thời gian giải quyết/tổng thời gian quy định là: 3.849/6.302 ngày, tức đã cắt giảm 2.453 ngày.
Tại tỉnh Nam Định, điểm đột phá trong cải cách hành chính là hiệu quả của Trung tâm Phục vụ hành chính công (nay là Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định). Theo đồng chí Nguyễn Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm, tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được niêm yết công khai trên hệ thống.
Tính đến tháng 9/2023, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là gần 200.000 hồ sơ; số lượng hồ sơ đã giải quyết là hơn 192.000 và chỉ có chín hồ sơ quá hạn. Kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy, Nam Định luôn đứng trong tốp 5 toàn quốc và là một trong các tỉnh, thành phố có ít hồ sơ quá hạn nhất.
Về cải cách tổ chức bộ máy, theo đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Trưởng Phòng Tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định, trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã giảm 10% biên chế công chức (giảm 294 biên chế) và 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước (3.437 người). Sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Nam Định còn 138 phòng, ban, chi cục và tương đương, giảm 11 phòng, ban, chi cục. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh tính đến nay là 845 đơn vị sự nghiệp, giảm 213 đơn vị so trước khi sắp xếp. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn được tổ chức thống nhất là đơn vị thuộc trung tâm y tế cấp huyện.
Hai năm qua, thành phố Thái Bình trở thành “điểm sáng” cải cách hành chính khi liên tục đứng tốp đầu của tỉnh Thái Bình. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đinh Gia Dũng chia sẻ: Chúng tôi xác định làm hết việc chứ không hết thời gian, mọi khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp luôn được lắng nghe và giải quyết thấu đáo. Chỉ có đồng hành và đứng về phía người dân, doanh nghiệp thì mới thấu hiểu, chia sẻ trước những sự việc cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất bức xúc có thể xảy ra.
Thành phố Thái Bình đang trong tiến trình trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, vì vậy chính quyền địa phương coi công tác cải cách hành chính là ưu tiên hàng đầu. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố đang thực hiện 268 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Đáng chú ý, có tới 201 thủ tục được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ”, tức là được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại chỗ.
Quyết liệt, không có điểm dừng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định khâu đột phá là xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là những nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện xuyên suốt cả nhiệm kỳ.
Ngay sau Đại hội, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/4/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, coi đây là giải pháp đột phá phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện chủ đề công tác hằng năm (chủ đề năm 2023 là “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”).
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn, định kỳ hằng tháng, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (vào thứ năm của tuần cuối tháng) để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị, xem xét giải quyết, tháo gỡ vướng mắc; cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quan điểm nhất quán là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật; góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp theo phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Ở tỉnh Thái Bình, năm nay, lần đầu tiên lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với hơn 70 đồng chí trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương của một số cơ quan, đơn vị về công tác cải cách hành chính phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đây là những người công tác tại những đơn vị thường xuyên tiếp xúc, làm việc, giao dịch với người dân và doanh nghiệp như Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết: Sở dĩ có buổi gặp gỡ, trao đổi bởi thời gian qua một số trưởng phòng, phó trưởng phòng thuộc các lĩnh vực có những bất cập, hạn chế kéo dài, người dân, doanh nghiệp có ý kiến nhiều. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thái Bình đề nghị đội ngũ cán bộ, công chức đang thực thi nhiệm vụ được giao chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tuân thủ các quy định về đạo đức công vụ, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.
Đồng chí khẳng định, nếu lực lượng này làm tốt chức trách, nhiệm vụ, đồng hành với người dân và doanh nghiệp thì tất cả các hoạt động của tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực. Thái Bình đang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức; thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ; chú trọng công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng…
Tại tỉnh Hà Nam, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách hành chính, song chính quyền địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế cần khắc phục. Dễ thấy nhất là hạ tầng số, các nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; các nền tảng số phục vụ giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã có chuyển biến tích cực, rõ nét nhưng kết quả đạt được còn ở mức khiêm tốn; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử còn thấp. Trước tình hình này, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát lại, bố trí các cán bộ có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức tốt để giải quyết tốt các công việc liên quan người dân và doanh nghiệp; công bố công khai các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, bảo đảm thông tin “sống, đủ, sạch”.
Các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm giải quyết hồ sơ đúng hạn; bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ tư pháp, giải quyết vướng mắc, khó khăn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về thuế, cơ chế chính sách mới, nhất là chính sách về đất đai, môi trường cho doanh nghiệp.
Cùng với cả nước, các tỉnh vùng nam đồng bằng sông Hồng đã có sự chuyển biến bước đầu trong công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, dám nghĩ, dám làm với quyết tâm cao để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.