Thử thách tinh thần đa phương

Những biến thể mới liên tục xuất hiện trong năm thứ hai thế giới chống chọi đại dịch, nhiều nước dần chuyển hướng từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Kinh tế phục hồi bấp bênh, cạnh tranh chiến lược gia tăng, thách thức từ biến đổi khí hậu gay gắt hơn...

Đại biện lâm thời Việt Nam tại LHQ trong phiên họp Hội đồng Bảo an. Ảnh: Liên hợp quốc
Đại biện lâm thời Việt Nam tại LHQ trong phiên họp Hội đồng Bảo an. Ảnh: Liên hợp quốc

Bối cảnh phức tạp đó thử thách khả năng phối hợp hành động của cộng đồng quốc tế; đòi hỏi phải vực dậy tinh thần đa phương, cùng nhau vượt qua thách thức.

Khó khăn không của riêng ai

“Biến thể” có lẽ là từ được nhắc tới nhiều nhất trong năm vừa qua. Khi cơn “sóng dữ” mang tên Delta còn chưa lắng dịu, biến chủng mới nhất của SARS-CoV-2 là Omicron bất ngờ xuất hiện, rồi nhanh chóng lây lan ra khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nguy cơ sớm trở thành “biến thể chủ đạo”. Chưa tạo cơn “sóng thần”, nhưng những cái tên khác như Delta Plus, Lambda, hay Mu, cũng khiến thế giới chao đảo. Kết quả phát triển và sản xuất vaccine đem đến tia hy vọng, song bất bình đẳng trong tiếp cận và cung ứng, cùng sự xuất hiện các biến thể “nhanh hơn, nguy hiểm hơn” đẩy diễn biến đại dịch vào cuộc đua tàu lượn. Nhiều kế hoạch mở cửa vừa khởi động đã bị thu hồi, phong tỏa được tái áp đặt, ưu tiên của nhiều nước không còn là “diệt sạch Covid”, mà là thích ứng an toàn và linh hoạt.

Thử thách tinh thần đa phương -0
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân ra khỏi vùng ngập lụt tại Pháp. Ảnh: Reuters  

Các kế hoạch mở cửa nền kinh tế bị đảo lộn khiến đà phục hồi toàn cầu vốn bấp bênh càng thêm trắc trở. Đầu năm 2021, thế giới có niềm tin khá vững chắc về triển vọng phục hồi kinh tế, khi tăng trưởng có bước chuyển lớn so với mức giảm sâu của năm trước đó. Khi Delta càn quét khắp nơi, niềm tin vẫn còn, dù mong manh, nhờ các gói kích thích kinh tế phát huy hiệu quả. Thậm chí, theo một số báo cáo, GDP toàn cầu trong những quý đầu năm đã trở lại mức trước đại dịch, hé mở cơ hội kinh tế thế giới sắp bước vào chặng tăng trưởng đầu tiên. Tuy nhiên, Omicron ập đến, đổ “gáo nước lạnh” vào tia hy vọng chỉ vừa nhen nhóm. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thừa nhận, Omicron chắc chắn làm chậm đáng kể đà phục hồi toàn cầu trong năm 2022.

Trong khi đó, Trái đất vẫn tiếp tục ấm lên, kéo theo thiên tai và thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất dày hơn, mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn. Hơn 300 người chết ở Trung Quốc, hơn 160 người chết ở Indonesia do mưa lũ, lở đất. Tuyết rơi dày nhất trong 50 năm qua ở Tây Ban Nha; lũ lịch sử phá hủy công trình hạ tầng ở Đức; các con sông tràn nước ở Australia. Nhiệt độ lên mức cao kỷ lục ở Nga, nhưng lại giảm xuống âm 13 độ C ở bang Texas của Mỹ... Thiên tai và xung đột buộc hàng triệu người đặt cược tính mạng vào hành trình di cư tự phát đầy rủi ro. Làn sóng di cư mới qua ngả Belarus đẩy Liên minh châu Âu (EU) cận kề khủng hoảng, trở thành vấn đề được Pháp ưu tiên giải quyết trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU nửa đầu năm 2022.

Thử thách tinh thần đa phương -0
Nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ tham gia dự án tái thiết tại CHDC Congo. Ảnh: LHQ

Giữa lúc khó khăn bủa vây, cần sự hợp tác và hành động tập thể để nhanh chóng vượt qua, bối cảnh chính trị quốc tế lại phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn không giảm tốc. Tại “xứ cờ hoa”, nhà lãnh đạo mới nhậm chức, chấm dứt giai đoạn “nước Mỹ trước tiên”, đem đến hy vọng cường quốc số 1 thế giới trở lại vai trò dẫn dắt các nỗ lực phối hợp quốc tế vượt qua thách thức. Khi Anh chính thức không còn chung mái nhà “liên minh cờ xanh”, EU bước vào giai đoạn mới, song tranh cãi hai bên về thương mại đã gay gắt ngay những ngày đầu thời kỳ “hậu Brexit”.

Rạn nứt trong quan hệ hai bờ Đại Tây Dương còn chưa được hàn gắn, “vết nứt” mới lại xuất hiện, liên quan việc rút quân khỏi Afghanistan, hay Mỹ và EU theo đuổi những dự án riêng. EU không thể ngồi yên, khi Mỹ cùng Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đẩy nhanh triển khai cơ chế “Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”; cùng Anh và Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mang tên AUKUS. Mỹ và NATO không hài lòng khi EU thúc đẩy dự án La bàn chiến lược, lập lực lượng riêng với lý do bảo đảm tự chủ chiến lược, nâng cao năng lực phòng thủ, giảm phụ thuộc đồng minh.

Thử thách tinh thần đa phương -0
Tổng Thư ký LHQ trong chuyến thăm làm việc tại Colombia. Ảnh: LHQ

Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trên toàn cầu, song những cơ chế liên kết mới có thể khiến quan hệ quốc tế phức tạp hơn, nhất là khi nỗ lực giải tỏa những “khúc mắc cũ” còn chưa tiến triển, thậm chí căng thẳng còn gia tăng. Từ tranh cãi giữa Mỹ và EU với Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, mâu thuẫn trong đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, cho đến bất đồng trong cam kết về khí hậu, kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu, phối hợp và hỗ trợ nỗ lực chống đại dịch và phục hồi kinh tế, tiếp tục làm nổi bật yêu cầu tăng cường hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Cùng nhau, mới có thể vượt qua

Không thể phủ nhận vai trò trụ cột của Liên hợp quốc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia để ứng phó thách thức toàn cầu. Trong số những ưu tiên Liên hợp quốc, hai cam kết đã đạt những bước tiến cụ thể, đó là thúc đẩy người dân thế giới tiếp cận vaccine công bằng hơn và thống nhất được mục tiêu và giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Thông điệp khi phát động chiến dịch “Only Together” (Chỉ cùng nhau) của Liên hợp quốc nhấn mạnh: Chỉ khi sát cánh cùng nhau, chúng ta mới có thể chấm dứt đại dịch, mở ra kỷ nguyên mới của niềm hy vọng!

Thử thách tinh thần đa phương -0
Lớp học của học sinh tiểu học bang California ( Mỹ). Ảnh: ZUMA  

Những con số cách biệt lớn về tỷ lệ tiêm phòng giữa các nước giàu và nước nghèo vẫn nhức nhối và vấn đề bất bình đẳng về vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được gắn mác “yếu tố thuận” để các biến thể xuất hiện và lây lan. Theo Liên hợp quốc, cách duy nhất để thế giới vượt qua đại dịch là hợp tác để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân vào giữa năm 2022. Đích thân Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiều lần kêu gọi đoàn kết quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chạy đua với thời gian để tìm kiếm, điều phối nguồn cung vaccine. Song, kết quả còn phụ thuộc hành động của các quốc gia, nhất là các nước phát triển và có thu nhập cao.

Trong ứng phó biến đổi khí hậu, yêu cầu phối hợp cam kết và hành động càng cấp bách hơn. “Hiệp ước khí hậu Glasgow” đạt được tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đánh dấu bước đi tích cực trong nỗ lực toàn cầu khi thống nhất được lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C, hoàn thiện hướng dẫn thực thi đầy đủ Thỏa thuận Paris và các nước giàu cam kết tăng hỗ trợ các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.

Là địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt của các cường quốc bên ngoài khu vực, ASEAN kiên trì củng cố đoàn kết, khéo léo điều tiết quan hệ đối ngoại. Thành công nổi bật là phối hợp các nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực, duy trì đà triển khai Tầm nhìn Cộng đồng, củng cố vai trò trung tâm trong khu vực và tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài. Đoàn kết nội khối và chính sách linh hoạt là những yếu tố giúp ASEAN duy trì vai trò trong thương mại thế giới, đóng góp cho triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bài học đoàn kết của ASEAN đã nêu kinh nghiệm tốt trong bối cảnh quốc tế phức tạp, yêu cầu vực dậy tinh thần đa phương trở nên cấp bách.

Thử thách tinh thần đa phương -0
Nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: UNMISS  

Chung nhịp đập sẻ chia

Đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, tăng cường đoàn kết ASEAN là nguyên tắc nhất quán, cũng là điểm nhấn về đóng góp của Việt Nam thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vốn sa sút thời gian qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch. Năm 2021 đi qua, đánh dấu kết thúc chặng đường đóng góp của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Sau “tháng Chủ tịch” đầu tiên ngay đầu nhiệm kỳ, tháng 4/2021 tiếp tục ghi đậm dấu ấn Việt Nam, khi lần thứ hai trong nhiệm kỳ, Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, trong đó chủ trì, tổ chức thành công nhiều “sự kiện điểm nhấn”.

Bản lĩnh Việt Nam thể hiện rõ nét trong điều hành công việc của Hội đồng một cách chuyên nghiệp, khéo léo và khách quan, nỗ lực đáp ứng tối đa mối quan tâm và đề nghị chính đáng của các nước. Điểm nhấn đặc biệt là phiên thảo luận mở cấp cao về chủ đề Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, do Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì. Sự kiện này nâng tầm sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc.

Thử thách tinh thần đa phương -0
 

Cùng những đề xuất quan trọng được ASEAN triển khai mạnh mẽ, sáng kiến của Việt Nam về Tầm nhìn APEC đến năm 2040 cũng đã được APEC hiện thực hóa bằng lộ trình thực hiện cụ thể, hướng tới cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương thịnh vượng. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được các nước phê chuẩn để có hiệu lực từ đầu năm 2022 đánh dấu thành công của Việt Nam cùng các nước ASEAN và đối tác thúc đẩy liên kết kinh tế, đóng góp cho tiến trình phục hồi, tăng trưởng bền vững.

Trong ứng phó Covid-19, Việt Nam đề cao phối hợp quốc tế, nhấn mạnh quan điểm “không ai an toàn cho đến khi tất cả an toàn”. Tại nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định, dịch Covid-19 là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu và đoàn kết quốc tế; không quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn đang chống chọi dịch bệnh. Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cùng chung nhịp đập sẻ chia và hợp tác, cùng các nước sớm kiểm soát đại dịch, củng cố hòa bình, phát triển phồn vinh.

Sơn Ninh