Cảm nghĩ Nhâm Dần 2022

Xin chào Xuân Nhâm Dần 2022, một mùa Xuân nhiều cảm nghĩ. Một mùa Xuân tràn đầy khát vọng, dạt dào cảm hứng và niềm tin.

Múa hát mừng Đảng, mừng Xuân.
Múa hát mừng Đảng, mừng Xuân.

Dần là năm Con Hổ-biểu tượng của sự oai hùng, cường tráng và dũng mãnh.

Nhớ lại Xuân Canh Dần 2010, 12 năm trước. Năm ấy, đất nước và dân tộc ta kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Niềm tự hào dân tộc dâng cao. Tự hào về lời tuyên của Vua Lý Thái Tổ từ ngàn xưa: Thăng Long là “thắng địa”, nơi “then chốt của bốn phương hội tụ”, cũng là “nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời”, là cái thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, cái thế chẳng những để bảo vệ vững chắc non sông mà còn đưa đất nước vươn xa, bay cao.

Từ Canh Dần 2010 đến Nhâm Dần 2022, đã tròn một giáp. Thời gian qua mau. Sự kiện chất chồng sự kiện. Vận hội, thời cơ cũng như khó khăn, thử thách luôn đan xen nhau. Nhưng thành bại, xét cho cùng đều do bàn tay con người.

Dấu ấn đặc sắc nhất của năm Canh Dần 2010 là gì?

Như Văn kiện Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) đã ghi: “Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh (Cương lĩnh 1991), chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt”. Nói cách khác, đó là nước ta đã thành nước đang phát triển, có thu nhập thấp.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị khác. Cái năm công cuộc đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đề ra chính là năm Bính Dần 1986. Đại hội quyết định: Đổi mới toàn diện-đổi mới từ tư duy đến tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo. Ta nghe như có âm vang của tiếng gầm Con Hổ!

Và cũng thật kỳ lạ. Chỉ 12 năm tiếp theo, từ Bính Dần 1986 đến Mậu Dần 1998, đất nước ta đã có một bước nhảy khá ngoạn mục. Đã đạt được những thành tựu to lớn trong Chiến lược 10 năm ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Đã nhận thức ngày càng rõ hơn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc sắc hơn cả là đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”...

Tôi còn nhớ, hai năm trước đây, Xuân Canh Tý 2020, trong bài “90 mùa xuân có Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân số Tết, tôi có viết:

Vài năm đầu đổi mới, đất nước vẫn còn lao đao trong khủng hoảng kinh tế-xã hội. Khó khăn đến mức vào tháng 1/1988, trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi về đánh giá tình hình sau một năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Tôi thường ví xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không có một vị thuốc thần nào lập tức có thể đứng dậy, đi ngay và chạy ngay được”.

Ấy vậy mà, như một phép màu, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã lần lượt vượt qua được ba nấc thang trên bước đường phát triển. Mười năm đầu (1986-1996), từ khủng hoảng kinh tế-xã hội đến ra khỏi khủng hoảng. Mười ba năm tiếp theo (1997-2010), từ ra khỏi khủng hoảng đến khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước phát triển, có thu nhập trung bình. Nấc thang thứ ba bắt đầu từ năm 2011 cho đến nay, và có thể thêm một số năm nữa, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và tiến lên thành nước công nghiệp hiện đại-hay nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ này.

Hai thập niên đầu của thế kỷ 21 đã qua. Nhâm Dần 2022 là năm thứ ba của thập niên thứ ba, lại là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới,

30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Và: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Về quan điểm chỉ đạo định hướng phát triển sắp tới, Đảng ta nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Hơn 76 năm trước, sau khi nước nhà giành được độc lập và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, nhà thơ Tố Hữu có câu: “Khao khát trăm năm mãi đợi chờ/Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ”.

Độc lập, Tự do, Hạnh phúc là tiêu ngữ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập phải song hành cùng Tự do, Hạnh phúc. Năm 1946, trong thư gửi các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác Hồ nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì?”. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Khát vọng, theo từ điển tiếng Việt, là mong muốn, khao khát đến mức da diết. Còn Hạnh phúc, là khái niệm chỉ trạng thái con người thỏa mãn với cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa.

Khát vọng và Hạnh phúc đều thuộc phạm trù tư tưởng và văn hóa.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn… Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới.

Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc ta, đâu phải của chỉ một số ít người nào đó. Khát vọng vừa là ước mơ, vừa là hiện thực. Ước mơ những gì có thể thực hiện được, nếu không, sẽ là ước mơ hão huyền. Mơ ước phải hiện thực hóa, thành hành động; không hành động mà ngồi đợi trời cho, là hỏng việc, khác nào há miệng chờ sung.

Sẽ không khách quan nếu nói hiện thực hóa khát vọng là con đường rộng thênh thang, đầy hoa thơm cỏ lạ. Không. Con đường ấy tuy quang đãng, nhưng cũng có lúc mây mù, có những đoạn quanh co, khúc khuỷu.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong hai năm qua là một thí dụ. Giặc dịch tuy không gươm đao nhưng lại có sức tàn phá ghê gớm. Nó cướp đi sinh mạng hàng triệu con người, gây rối loạn trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Cả thế giới phải gồng mình lên chống lại nó.

Việt Nam không là ngoại lệ. Có điều trong cuộc chiến chống dịch, ta đã có một thứ vũ khí được coi như bảo bối: Từ quyết sách “không Covid” ta đã chuyển thành ứng phó an toàn, linh hoạt, kết hợp một cách thỏa đáng 5K với việc tiêm phòng vaccine, đặc biệt là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm thực hiện cho được mục tiêu kép: vừa kiểm soát được dịch, vừa phát triển được kinh tế.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là mục tiêu, cũng là nét chủ đạo trong bước đường tiến lên của dân tộc ta, của đất nước trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc…”.

Dẫu còn vô vàn khó khăn, thách thức phải vượt qua, năm Nhâm Dần 2022-năm Con Hổ-phải là năm ghi đậm dấu ấn trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xuân Nhâm Dần 2022