Nụ cười của cháu bé sơ sinh

Nụ cười của bé sơ sinh mồ côi ngay khi lọt lòng mẹ trong đại dịch như hình ảnh đầy tính ẩn dụ, nói lên đức tính của người Việt Nam lạc quan và kiên nghị, càng khổ đau càng nhân hậu, gặp hoàn cảnh càng gay go tính sáng tạo càng tỏa sáng. Nụ cười của cháu tiếp sức cho chúng ta chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đường đầu với những biến đổi của đại dịch Covid-19.

Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương (năm 1955). Ảnh: Đinh Đăng Định
Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương (năm 1955). Ảnh: Đinh Đăng Định

Nhắc đến hai từ “Đoàn kết” là mọi người nghĩ ngay tới lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói lan tỏa rộng khắp và đi vào lịch sử dân tộc ta như một danh ngôn in sâu vào lòng nhiều thế hệ người Việt.

Đó không phải là lời ngẫu hứng của Người. Đó là sự tích hợp những kiến thức và trải nghiệm từ ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu viễn dương làm thuê đi tìm đường cứu nước đến nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc được bạn bè quốc tế nể trọng và bị mật thám Pháp theo dõi, săn lùng. Mọi khó khăn gian khó vẫn không đủ sức ngăn Người đặt chân trở lại đất nước ngày 28/1/1941 để trực tiếp vận động, tổ chức và chỉ đạo phong trào giải phóng dân tộc dựa trên niềm tin đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết dẫn tới thành công.

Để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, mọi người Việt Nam, từ đồng bằng lên miền núi, từ bắc vào nam, cần qua những bài học lịch sử hiểu thấu sức mạnh của đoàn kết, từ đó thêm tự hào về truyền thống kiên cường của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc viết cuốn “Lịch sử nước ta”. Tác phẩm thể hiện dưới dạng diễn ca tiện truyền miệng, dễ thuộc lòng “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Người đúc kết những bài học thành công của ông cha qua các cuộc chiến chống xâm lăng, giữ gìn bờ cõi từ hai ngàn năm về trước, cũng như nỗi đau cùng cực khi dân ta thiếu đoàn kết, dẫn tới mất quyền tự chủ, bị người nước ngoài đè đầu cưỡi cổ: “Kể gần sáu trăm năm trời/Ta không đoàn kết bị người tính thôn”. Đến một vị anh hùng thao lược như Mai Hắc Đế mà cũng “Vì dân đoàn kết chưa sâu/Cho nên thất bại trước sau mấy lần”.

Nhờ đoàn kết trên dưới một lòng, vận dụng sách lược tài tình, đời nhà Trần mở Hội nghị Diên Hồng, ba lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, để cho “người lính già đầu bạc” có thể ung dung “kể mãi chuyện Nguyên Phong” (thơ Trần Nhân Tông), truyền cho các thế hệ hậu sinh bài học đoàn kết tất thắng. Thế kỷ 15, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, khởi đầu trong hoàn cảnh “tướng ít, binh đơn”, sau mười năm vừa xây dựng lực lượng vừa chiến đấu đã hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi giặc Minh xâm lược, giành lại tự do cho Tổ quốc, mở ra một thời kỳ mới “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Bình Ngô đại cáo) gắn kết ý chí kiên cường với lòng nhân ái và khát vọng vươn tới tương lai. Nguyên nhân thành tựu rốt cuộc vẫn là “Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan/Vì dân hăng hái kết đoàn”. Đến thời người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ: “Ông đà chí cả mưu cao/ Dân ta lại biết cùng nhau một lòng” (Lịch sử nước ta).

Đường lối lãnh đạo đúng và toàn dân đoàn kết, đó là hai nguyên lý kết nối vĩnh hằng, dẫn tới mọi thành công.

Gần mười năm sau ngày phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc trong bối cảnh “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”. Từ những bài học lịch sử Người đúc kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”.

Sẽ quá dài dòng nếu dẫn giải thêm những điều người Việt Nam hầu như ai cũng tỏ tường: Đoàn kết là truyền thống của dân tộc, là nếp nghĩ cách làm từ những ngày đầu dựng nước và thường xuyên ẩn hiện qua lối sống, nếp nghĩ của dân ta trong mấy ngàn năm: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết dẫn tới thành công, đoàn kết càng rộng thành công càng lớn.

*

Cuộc chiến của toàn dân ta chống đại dịch Covid-19 hai năm qua dưới sự lãnh đạo và điều hành của Đảng và Nhà nước là biểu chứng mới nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ đoàn kết và thành công.

Qua bốn đợt chống dịch trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển, không thể sánh với nội lực những nước mạnh giàu, hơn một triệu người nhiễm căn bệnh lạ kỳ, chúng ta tạm đẩy lùi dịch bệnh, tạo trạng thái bình thường mới trong đời sống xã hội. Trong hai năm tính từ ngày dịch bùng phát, chúng ta ngày ngày đọc báo, nghe phát thanh, xem truyền hình, chúng ta từng bao lần xúc động trước những tấm gương đoàn kết, hy sinh vì cộng đồng qua hành động của em học sinh và cụ già, đội ngũ quân nhân và các nghệ sĩ, người tình nguyện và chiến sĩ chốn biên cương, doanh nhân thành đạt và người lao động vất vả kiếm sống hằng ngày, các tổ chức xã hội và kiều bào sinh sống tại các phương trời xa. Mọi người chung tay “chống dịch như chống giặc”, thực hiện Lời kêu gọi của Chính phủ từ những ngày đầu dịch bùng phát. Những tấm lòng vì cộng đồng, những hành động cao cả rồi sẽ tồn tại lâu dài với non sông.

Cuộc chiến nào chẳng có tổn thất, hy sinh. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 nghìn người Việt. Hầu hết họ ra đi không có người thân bên cạnh vào giờ phút cuối. Hơn 2.600 em bé bỗng trở thành trẻ mồ côi.

Cuộc chiến nào chẳng có thắng lợi, đồng thời chẳng làm bộc lộ mặt trái của cuộc đời. Nấp sau tấm lòng của cộng đồng, có những kẻ nhẫn tâm thừa cơ lừa đảo, trộm cắp tài sản công vì lợi ích riêng, bất chấp khổ đau của những người lâm bệnh và hành động cao cả của bao người.

*

Đêm 19/11/2021, trùng hợp đêm rằm tháng mười âm lịch, chúng ta lại khó nén được xúc động, có khi tuôn trào nước mắt, theo dõi buổi tường thuật trực tiếp qua truyền hình từ hai điểm cầu mang ý nghĩa biểu trưng là Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Công viên Thống Nhất Hà Nội. Cả nước cúi đầu tưởng nhớ những người đã khuất, bày tỏ lòng tri ân các cán bộ, chiến sĩ ngã xuống vì sức khỏe của cộng đồng. Một sự kiện nói lên truyền thống nhân nghĩa, bản lĩnh kiên cường của người Việt Nam vượt lên dịch bệnh và thiếu thốn, nhờ vậy giữ được ở mức nhất định đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh cực kỳ khó khăn.

Người Việt Nam vốn lạc quan. Gặp tình huống càng gian nan chúng ta càng thêm tin tưởng vào nội lực của mình. Những ai có dịp nhìn thấy qua các phương tiện truyền thông cảnh cô điều dưỡng viên ẵm cháu bé sơ sinh ra đời trong bệnh viện, mồ côi mẹ từ thuở lọt lòng, hẳn rồi sẽ không thể quên. Qua vẻ mặt ngây thơ của cháu, chúng ta có cảm giác như cháu chưa thể cảm nhận về nỗi bất hạnh lớn mà cháu đã sớm phải gánh chịu. Vậy mà, trên đôi tay đu đưa và lời ru hiền dịu của người chăm sóc nhân từ, tình cờ, cháu bé bỗng dưng hé nở một nụ cười.

Nụ cười của cháu bé mồ côi khi vừa lọt lòng mẹ như một hình ảnh đầy tính ẩn dụ, nói lên đức tính của người Việt Nam lạc quan và kiên nghị, càng khổ đau càng nhân hậu, gặp hoàn cảnh càng gay go tính sáng tạo càng tỏa sáng. Nụ cười của cháu tiếp sức cho chúng ta chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đương đầu với những biến đổi của đại dịch Covid-19.