Nghệ An khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế

Số lượng tuyển dụng được hằng năm không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt; sinh viên đào tạo tại các trường y, dược có nhu cầu về công tác tại Nghệ An rất ít và xu hướng nhân viên y tế rời các đơn vị y tế công lập… khiến ngành y tế tỉnh đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân lực để đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho bệnh nhân. (Ảnh TỪ THÀNH)
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh thực hiện tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser cho bệnh nhân. (Ảnh TỪ THÀNH)

Thiếu rất nhiều so với quy định

Thống kê từ Sở Y tế Nghệ An cho thấy, tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh tính đến 31/12/2023 là 20.386 người, trong đó: nhân lực trong hệ thống công lập là 13.842 người, ngoài công lập là 6.544 người.

Theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, số lượng nhân lực ngành y tế Nghệ An còn thiếu hơn 5.000 nhân lực.

Cụ thể, đối với các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực. Còn các đơn vị y tế tự chủ nhóm 3, nhóm 4 thiếu khoảng 1.448 chỉ tiêu, trong khi vẫn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế hằng năm.

Chưa kể, xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ, ảnh hưởng đến việc duy trì, ổn định nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Năm 2023 có 74 người nghỉ việc (có tới 22 bác sĩ); sáu tháng đầu năm 2024 có 16 người, trong đó có sáu bác sĩ. Mặc dù số nhân viên y tế nghỉ việc năm 2024 giảm so với 2023, nhưng vẫn tiềm ẩn xu hướng bỏ việc, nghỉ việc ở tất cả các chức danh chuyên môn.

Do thiếu nhân lực cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, nhất là phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Hiện nay, mới chỉ có 360/460 trạm y tế có bác sĩ cơ hữu; 51 trạm y tế xã có bác sĩ được cử luân phiên có thời hạn từ trung tâm y tế về; 19 trạm y tế xã hợp đồng với bác sĩ đã nghỉ hưu ở lại làm việc, các trạm y tế còn lại không có bác sĩ công tác, phải sử dụng y sĩ đa khoa làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh.

Mặc dù thiếu nhưng việc tuyển dụng rất khó. Số lượng tuyển dụng được hằng năm không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt. Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành y tế Nghệ An tuyển dụng được 3.231 người; trong đó, tuyến huyện 781 người (có 214 bác sĩ) và tuyến xã 53 người (có 12 bác sĩ).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Nghệ An chia sẻ, sinh viên chuyên ngành y, dược mới ra trường không muốn về công tác tại tuyến huyện, nhất là một số huyện thuộc vùng khó khăn, ở các trung tâm không có chức năng khám, chữa bệnh, ở các đơn vị đặc thù như pháp y, giám định y khoa... và tại trạm y tế xã, phường, thị trấn do môi trường làm việc khó phát triển chuyên môn, thu nhập thấp.

Nhân lực y tế được đào tạo tại các trường y, dược hằng năm có nhu cầu về công tác tại Nghệ An số lượng rất ít, kể cả con em người Nghệ An. Trong khi đó, Trường đại học Y khoa Vinh chủ yếu đào tạo bậc đại học, chưa đào tạo nhiều chuyên ngành sau đại học…

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu cho hay: Bệnh viện hiện có 62 bác sĩ, trong khi đó nhu cầu tối thiểu phải có từ 85-100 bác sĩ.

Năm 2023, bệnh viện có nhu cầu tuyển dụng 22 bác sĩ, nhưng chỉ tuyển được ba bác sĩ. Năm 2024 chỉ mới tuyển được chín bác sĩ, 13 chỉ tiêu còn lại không có hồ sơ dự tuyển. Là đơn vị tự chủ nhóm 2 từ năm 2018, bệnh viện không được hưởng chính sách thu hút nhân lực của UBND tỉnh.

Để thu hút bác sĩ, đơn vị đưa ra chính sách hỗ trợ thêm đối với chức danh bác sĩ trong thời gian tập sự; hỗ trợ cho bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề thêm hai triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, mức hỗ trợ này phụ thuộc vào nguồn thu của bệnh viện. Tương tự, năm 2023, Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Lưu có chỉ tiêu tuyển dụng 20 bác sĩ, chỉ tuyển dụng được 12 bác sĩ.

Bệnh viện Phổi có 32 chỉ tiêu bác sĩ nhưng chỉ tuyển dụng được 21 bác sĩ. Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn, Đô Lương, Thái Hòa từ năm 2021 đến nay không tuyển được bác sĩ nào.

Các đơn vị y tế tuyến tỉnh cũng chưa bảo đảm nhân lực tại các vị trí việc làm cần thiết, nhất là điều dưỡng. Bệnh viện Chấn thương-Chỉnh hình Nghệ An, năm 2023 nhu cầu 26 chỉ tiêu điều dưỡng nhưng chỉ tuyển được tám chỉ tiêu. Bệnh viện Phổi có 26 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 11 chỉ tiêu…

Năm 2023, các đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 chỉ tuyển dụng được 46% so với kế hoạch đề ra. Đối với các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2, chỉ có ba đơn vị tuyển dụng đạt hơn 80% kế hoạch đề ra (Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền), các đơn vị còn lại chỉ hơn 60% kế hoạch đề ra.

Chính sách chưa hấp dẫn

Do thiếu nhân lực, bác sĩ, điều dưỡng phải gánh thêm nhiều công việc dẫn đến áp lực và cường độ làm việc tăng lên. Việc cử cán bộ đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng bị hạn chế.

Trong khi đó, do giá viện phí chưa được tính đúng tính đủ các chi phí, nên nếu đơn vị tuyển dụng đủ nhân lực theo định mức quy định thì lại không đủ kinh phí để chi trả. Đây là bài toán rất khó đối với các bệnh viện hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ: Khó khăn trong thu hút nhân lực có liên quan đến chế độ, chính sách. Chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân lực y tế, nhất là nhân lực có trình độ cao.

Những năm qua, tỉnh cũng đã có chính sách quan tâm nhân lực cho ngành y tế, như: chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 157/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập và Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 6/1/2015 về Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập.

Năm 2023, có 210 nhân lực y tế được hỗ trợ đào tạo, kinh phí tỉnh chi trả khoảng 9,4 tỷ đồng và thu hút được 34 bác sĩ.

Thực tế, chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế của các địa phương khác đang cao hơn nhiều so với Nghệ An. Thí dụ, đối với bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thu hút từ 400-500 triệu đồng (gấp 6,67 đến 8,3 lần tỉnh Nghệ An); thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thu hút 100 lần lương cơ sở (gấp 3,9 lần tỉnh Nghệ An).

Thanh Hóa hỗ trợ thu hút 180 triệu đồng và 24 tháng lương cơ sở (gấp 4 lần tỉnh Nghệ An); Hà Tĩnh hỗ trợ thu hút từ 100 đến 330 triệu đồng (gấp 1,67 đến 5,5 lần tỉnh Nghệ An)…

Để giải bài toán nhân lực, Sở Y tế Nghệ An đề nghị năm 2025 và những năm tiếp theo, các cơ quan chức năng xem xét không thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đồng thời bổ sung biên chế hưởng lương từ ngân sách đối với các đơn vị y tế cơ sở, để bảo đảm đủ số lượng tối thiểu theo quy định.

Bộ Y tế tăng chỉ tiêu tuyển chọn hằng năm và mở rộng số huyện được thụ hưởng Dự án 585 “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn”...

Đặc biệt, đề nghị UBND trình HĐND tỉnh xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách về chế độ đãi ngộ thu hút, hỗ trợ đào tạo cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có chuyên môn cao, chuyên môn sâu làm việc lâu dài tại y tế cơ sở, đặc biệt vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và cho đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm công tác dân số, cộng tác viên dân số kiêm nhiệm công tác y tế…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, một số đại biểu cũng kiến nghị, tỉnh nên ban hành chính sách mới thay thế chính sách cũ để thu hút nhân lực ngành y, đặc biệt là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hướng đến xây dựng tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về y tế.