Thu hút nhiều sự quan tâm các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến

Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về bối cảnh, thách thức, cơ hội, gắn kết ý tưởng giữa các bên để định hình các sáng kiến, mô hình kinh doanh cụ thể nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Trong khuôn khổ “Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II”, chiều 15/11, tại thành phố Cao Lãnh đã diễn ra phiên tọa đàm “Kết nối-vươn xa”.

Tại phiên tọa đàm đã có buổi thảo luận mở với chuyên đề: “Các mô hình nông nghiệp và sản xuất, chế biến nông, thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long”.

Buổi thảo luận đã thu hút nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế… với nhiều đề xuất cho những vấn đề về cách làm, chính sách… liên quan đến các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến nông, thủy sản.

Ông Guenther Reinhard Meyer, Quản lý dự án VN-ADAPT, Tổ chức SNV Việt Nam, đã trình bày tham luận về cơ hội, thách thức hiện hữu trong phát triển Nông nghiệp xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long và “không gian” cho các mô hình đổi mới sáng tạo theo định hướng kinh tế xanh.

Qua các trở ngại về sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, năng suất và hiệu quả thấp; liên kết chuỗi giá trị yếu kém, thiếu thiết bị, cơ sở hạ tầng… SNV Việt Nam đưa ra khuyến nghị về thích ứng và chống chịu với khí hậu thông qua nông nghiệp bền vững và tái sinh; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.

Trong đó, ông Guenther Reinhard Meyer nhấn mạnh đến một số nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên trong nông nghiệp thông qua chuyển đổi khu vực tư nhân tại Việt Nam, chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chuyển dịch đầu tư theo hướng chuyển đổi xanh...

Thu hút nhiều sự quan tâm các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến ảnh 2
Đại biểu tham gia phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Rynan Technology, giới thiệu một số mô hình nông nghiệp xanh và gợi mở cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện “chuyển đổi kép” trong nông nghiệp. Đây là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào toàn bộ chuỗi giá trị nông sản với mục tiêu tăng cường hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.

Qua 2 nội dung tham luận của chuyên gia, bên cạnh chia sẻ các công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng xanh, giảm phát thải, các đại biểu cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long đang có lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó cần quan tâm các vấn đề như: Cơ sở logistics và vùng nguyên liệu; công nghệ, nhất là phát triển các phần mềm quản lý; nguồn nhân lực; các yếu tố phụ trợ; nguồn dữ liệu; sự đồng hành, cam kết và các chính sách hỗ trợ với các startup của chính quyền.

Ngoài ra, cần khẳng định làm nông nghiệp xanh thông qua giải quyết các phụ phẩm nông nghiệp để có các sản phẩm đổi mới sáng tạo; xây dựng vùng nguyên liệu để thu thập các phụ phẩm trong nông nghiệp, để sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn. Nhà nước cần có sự hỗ trợ, trong đó có đặt hàng tại các hợp tác xã sản xuất các sản phẩm theo hướng xanh; nâng cao nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp xanh… là những giải pháp được đề cập tại tọa đàm.

Thu hút nhiều sự quan tâm các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến ảnh 3
Đại biểu tham gia phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tại tọa đàm, đại biểu được nghe ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sinh thái Quyết Tiến (Hợp tác xã Quyết Tiến), tọa lạc ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thông tin về mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp kết hợp với trữ cá được nhiều nông dân hưởng ứng tham gia ở xã Phú Thành A.

Ông Tuấn cho biết, mô hình sản xuất nông nghiệp cụ thể ở Hợp tác xã Quyết Tiến là mô hình “lúa-cá-vịt”. Chất thải của vịt và cá cũng là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa. Từ đó, góp phần hạn chế việc phun thuốc hóa học, giảm lượng phân bón vô cơ, đồng nghĩa với giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Ngoài ra, nguồn rơm sau thu hoạch lúa cũng được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm và giá thể hữu cơ, ủ phân hữu cơ truyền thống, làm thức ăn gia súc…

Vào mùa nước nổi, không thể trồng lúa, ông Tuấn cùng bà con nhử cá vào ruộng, nuôi lớn, chờ thu hoạch khi nước rút. “Nuôi trữ cá nhằm tạo nguồn cá tự nhiên để kết hợp vừa thu hoạch một phần, vừa tiếp tục nuôi nhiều loại cá trên ruộng lúa vụ mới.

Hơn 2 năm nay, mô hình đều cho thấy kết quả đạt được khá tốt, tạo sự đa dạng hệ sinh thái trên đồng ruộng. Ngoài ra, mô hình còn được tận dụng để khai thác du lịch mùa nước nổi cũng như quảng bá gạo sạch Quyết Tiến”, ông Nguyễn Minh Tuấn phấn khởi cho biết.

Ông Tuấn băn khoăn việc có chính sách hỗ trợ từ mô hình như hiện nay thì nông dân tích cực cùng tham gia thực hiện. Đồng thời, ông Tuấn cũng nêu nỗi lo là khi không còn chính sách hỗ trợ thì một số nông dân sẽ không tiếp tục tham gia mô hình.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, sự lo lắng của ông Nguyễn Minh Tuấn là đúng, nhưng Hợp tác xã Quyết Tiến cần chú trọng đến việc tuyên truyền để nông dân thấy được bài toán kinh tế, thấy được mức thu nhập, thấy rõ được dù có chính sách hay không có chính sách hỗ trợ thì bà con vẫn có được lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường và cả lợi ích xã hội (trong đó có lợi ích xã hội của chính nông dân) từ mô hình.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh đánh giá buổi tọa đàm với một không gian thảo luận rất cởi mở, thẳng thắn. Qua đây, cho thấy sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, tổ chức quốc tế đối với những ý tưởng, mô hình trong phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững.

Thu hút nhiều sự quan tâm các mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến ảnh 4
Nhiều đại biểu đánh giá cao buổi tọa đàm. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Những cách làm, đặc biệt là những ý tưởng của các doanh nghiệp, hợp tác xã luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, trong đó có các chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh đề nghị các đại biểu tham dự thời gian tới cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn nữa với các tổ chức quốc tế để chủ động phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã bằng cách kêu gọi nguồn lực, giải pháp công nghệ, thị trường…”.

Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết: Qua trao đổi tại tọa đàm, nhận thấy nhiều mô hình nông nghiệp và sản xuất chế biến nông, thủy sản theo định hướng kinh tế xanh đã và đang được thúc đẩy.

Tuy nhiên, từ mô hình cho đến hành động, đến việc có thể bền vững được, trở thành một tập đoàn lớn thì cần cả một hành trình, do đó, rất cần có một mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong để trao đổi.

Hồn cốt của chuyện mạng lưới này chính là câu chuyện cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cách làm các mô hình thí điểm, thông tin về các chính sách…