Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo trên nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra bắc tại Cà Mau (1954-2024).
Phát biểu đề dẫn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt cho biết, Ban tổ chức hội thảo vinh dự đón mừng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử của sự kiện tập kết ra bắc năm 1954, về tham dự.
Kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc (1954-2024)
Hội thảo còn có sự chia sẻ, đồng hành của một số đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; Liên doanh dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro); Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnamairline)…
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển, hội thảo khoa học lần này tiếp nhận 47 bài tham luận cùng nhiều ý kiến có giá trị của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương trong và ngoài tỉnh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… ở mọi miền đất nước.
Các bài viết, các ý kiến phát biểu đã phân tích, làm rõ các khía cạnh toàn diện liên quan đến sự kiện tập kết ra bắc tại Cà Mau và tại một số địa phương khác. Qua đó thống nhất đánh giá: Chủ trương đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền nam tập kết ra bắc năm 1954 là quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược và xuyên thời đại của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây còn là cuộc “điều chỉnh khu vực” mang tính lịch sử và độc đáo trong chiến tranh ở Việt Nam; là “việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định.
“Sự kiện tập kết còn là kết quả của chủ trương, đường lối phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế của Đảng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, thử thách; trở thành bài học quý báu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Nguyễn Đức Hiển đúc kết.
70 năm trước, thực hiện lệnh đình chiến sau Hiệp định Geneva vào năm 1954, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn làm điểm tập kết. Trong đó, khu tập kết tại Cà Mau có thời gian dài nhất với 200 ngày. Khu vực tập kết tại đây được xác định dọc theo kênh xáng Chắc Băng (nối ngã ba sông Trẹm, thị trấn Thới Bình đến ngã ba sông Cái Lớn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cùng một số địa điểm khác trong tỉnh.
Trong 200 ngày tập kết, cấp ủy, chính quyền cách mạng tại Cà Mau đã làm đổi mới các khu vực ta mới tiếp quản trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng bào Cà Mau đã thật sự được sống những ngày tự do, hạnh phúc…
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, hội thảo không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức hào hùng trong quá khứ, mà còn là dịp để chúng ta phân tích, khẳng định và làm sâu sắc thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và rút ra nhiều bài học quý báu của sự kiện tập kết ra bắc, nhất là những chủ trương, quyết sách sáng suốt, tài tình, mang tầm chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng.
Qua đó, góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng ta và của Đảng bộ, dân và quân Cà Mau trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc…