Điện Biên có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, phù hợp mô hình phát triển kinh tế xanh

Để hình thành, bổ sung phương pháp luận, kinh nghiệm thực tiễn cho mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, chiều 12/1, Sở Xây dựng Điện Biên chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học phát triển đô thị, khu công nghiệp xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có là giải pháp được tỉnh Điện Biên ưu tiên thực hiện để khai thác lợi thế kinh tế rừng.
Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có là giải pháp được tỉnh Điện Biên ưu tiên thực hiện để khai thác lợi thế kinh tế rừng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, cho biết: Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon đem lại cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên, bởi Điện Biên có diện tích rừng tự nhiên lớn, tỷ lệ đô thị thấp và tỷ trọng phát triển công nghiệp chưa cao.

Trong khu vực Tây Bắc, Điện Biên thuộc nhóm tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển ngành nông, lâm nghiệp đa dạng gắn với công nghiệp chế biến, du lịch trải nghiệm, phù hợp mô hình phát triển kinh tế xanh, phát thải thấp trong tương lai. Ngoài trữ lượng rừng lớn, Điện Biên hiện có nhiều địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon tạo nguồn thu cho tỉnh để hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải.

Điện Biên có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, phù hợp mô hình phát triển kinh tế xanh ảnh 1

Chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh đề cập cơ hội, thách thức cho phát triển thị trường tín chỉ carbon tỉnh Điện Biên.

Để Điện Biên có thể khai thác tối đa lợi thế, chủ động phát triển thị trường carbon, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh, Viện Quản lý phát triển đô thị, Viện Chiến lược chuyển đổi số, Trung tâm tư vấn-Viện Kiến trúc nhiệt đới đều có chung khuyến nghị: Điện Biên cần có chính sách khuyến khích, thu hút phát triển các dự án bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon chất lượng cao; chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phục hồi rừng ở các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông…

Cùng với đó, Điện Biên cần chủ động tham gia các dự án carbon xanh, bằng cách này Điện Biên có thể thu hút các nguồn tài trợ từ các chương trình thanh toán dịch vụ môi trường, các cơ chế thị trường carbon tự nguyện hoặc bắt buộc và các đối tác hợp tác quốc tế.

Thông tin công tác bảo vệ, phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết, dù có rất nhiều khó khăn, song trong năm qua Điện Biên đã thực hiện tốt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ tốt hơn 409 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 8.300ha rừng trồng. Trong năm, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng mới hơn 1.551ha rừng, từ đó góp phần quan trọng nâng tỷ lệ che phủ rừng trong tỉnh đạt 44%.