Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp cộng với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…, sự chuyển đổi của nền nông nghiệp theo hướng tuần hoàn kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu.
Gia tăng lợi ích kinh tế
Dự án Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp được triển khai tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã trải qua bốn vụ sản xuất lúa. Bên cạnh trồng lúa, nông dân còn thực hiện mô hình kết hợp trữ cá mùa lũ, quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tiến Nguyễn Minh Tuấn, sau hai năm thực hiện, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp được nhiều nông dân hưởng ứng và nhân rộng. Năm 2023, chỉ có tám hộ tham gia với diện tích 20 ha thì đến nay, diện tích được mở rộng lên 80 ha với 23 hộ tham gia. Mô hình trồng lúa mới giúp giảm lượng giống, giảm lượng phân bón. Sau thu hoạch, rơm được thu gom khỏi ruộng khoảng 87%, phần còn lại phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ, tạo thêm dinh dưỡng cho đất.
Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Trần Thanh Nam cho biết: Năm 2023, huyện triển khai mô hình sản xuất lúa tuần hoàn với diện tích hơn 60 ha, kết hợp nuôi cá mùa lũ. Tổng lợi nhuận từ hai vụ lúa và một vụ cá là hơn 55 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, hợp tác xã tổ chức khai thác du lịch trải nghiệm mùa lũ, doanh thu hơn 70 triệu đồng/năm. Năm nay, huyện tăng diện tích lúa theo mô hình mới lên hơn 160 ha.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa không xả thải ra kênh rạch làm ô nhiễm môi trường. Cụ thể như Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) với mô hình nuôi tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) với mô hình nuôi mới theo hướng tuần hoàn nước, hầu như không dùng nước bên ngoài nên hạn chế được dịch bệnh, không phải sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm, giúp giảm chi phí, tăng chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA đang thực hiện mô hình Aquaponics. Mô hình này kết hợp giữa Aquaculture-nuôi thủy sản tuần hoàn và Hydroponics-trồng cây thủy canh theo chu kỳ hoàn toàn khép kín. Nước từ bể cá thông qua quá trình nitrat hóa sẽ chuyển chất thải trong bể cá thành dinh dưỡng cho cây trồng sử dụng. Sau đó, nước được lọc sạch bởi giá thể và cây trồng rồi trả về lại bể cá. Aquaponics là mô hình khép kín, tuần hoàn, tận dụng lợi ích của rau và cá trên cơ chế cộng sinh. Giám đốc Nguyễn Tiến Thành cho biết: Trang trại Aquaponics có diện tích hơn 13.000 m2 nhưng chỉ cần 16 nhân sự vận hành toàn bộ hệ thống. Thành công của mô hình là kiểm soát được quy trình sản xuất, cho ra sản phẩm chất lượng hơn, trong khi tiết kiệm được 40% chi phí sản xuất.
Đầu tư công nghệ, đổi mới tư duy
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các giải pháp chính, như: Xây dựng, cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển, tạo ra các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi giá trị; tập trung vào nghiên cứu công nghệ liên quan trực tiếp phát triển kinh tế tuần hoàn như rải vụ, chế biến, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng chương trình khuyến nông chuyển giao công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, gồm: Công nghệ tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải từ sản xuất, chế biến trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thực phẩm; bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới có nền kinh tế tuần hoàn phát triển để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ thế hệ mới...
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, mặc dù khung chính sách về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã hình thành nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là nhận thức của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, người tiêu dùng về sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn chưa đầy đủ, dẫn đến các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam chưa phổ biến, chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực, một số doanh nghiệp.
Đáng chú ý, sự áp dụng trong các doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất còn ít. Chính vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần triển khai mạnh hơn nữa các chương trình nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng chuyên mục khuyến nông về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, xây dựng các trang thông tin điện tử về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và triển khai thực hiện.