Chiều 10/6, phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc để giúp Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.
Cần can thiệp sớm để bảo đảm an toàn hệ thống
Báo cáo về một số vấn đề lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vấn đề can thiệp sớm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là một điểm mới ở dự thảo luật lần này, được Ban soạn thảo trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như từ thực tiễn sự kiện rút tiền hàng loạt của Ngân hàng SCB tháng 10/2022, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới, mà gần đây là các ngân hàng thương mại của Mỹ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các tổ chức tín dụng sẽ có những thời điểm gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý cũng sẽ cảnh báo rủi ro và để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời.
Nếu như các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệp sớm.
Trong quá trình can thiệp sớm, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng, khi phải có phương án xây dựng để khắc phục những khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ, đặc biệt trong giai đoạn này thì cần các giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, Thống đốc chỉ rõ, Luật hiện hành có quy định can thiệp sớm, nhưng quy định thời hạn chỉ có 1 năm, rất ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ, cho nên trong thực tiễn rất khó triển khai.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Vì vậy, dự thảo luật trình Quốc hội lần này có các biện pháp hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cứu cánh cuối cùng khi các tổ chức tín dụng gặp khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân, đồng thời cũng quy định huy động nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng hợp tác xã…
Dẫn kinh nghiệm quốc tế từ sự kiện rút tiền hàng loạt ở 2 ngân hàng của Mỹ là Silicon Valley và First Republic, dù các ngân hàng này có nợ xấu rất thấp, chỉ dưới 1%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thực tế ở 2 ngân hàng này cho thấy không phải chờ đến khi các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản thì mới xử lý mà rất cần can thiệp sớm.
“Ngân hàng bình thường nếu có thể vì những lý do nào đấy mà vẫn có sự rút tiền hàng loạt thì đều được đưa vào quá trình can thiệp sớm, còn nếu chờ đến lúc tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, tức bước vào giai đoạn rất khó khăn rồi mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nêu rõ.
Thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng
Về vấn đề liên quan luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Nghị quyết 42 ra đời khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017 và thực tiễn triển khai cho thấy nợ xấu đã giảm rất nhanh, đồng thời thông qua Nghị quyết đã tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.
Thống đốc cũng chỉ rõ, trên thực tế, trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm nổi lên là vấn đề rất quan trọng.
Do vậy, dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng trong hợp đồng bảo đảm. Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản bảo đảm. Các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, nếu không có quy định này, các tổ chức tín dụng rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, bởi kể cả có tài sản bảo đảm nhưng các tổ chức tín dụng cũng không chắc chắn có xử lý được hay không, có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Về kiến nghị của một số đại biểu nêu nên thông qua dự án Luật này ở 3 kỳ họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Nghị quyết 42 được gia hạn đến ngày 31/12/2023. Do đó, nếu thông qua 3 kỳ thì sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng.
Từ lý do trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật trong 2 kỳ. Theo Thống đốc, đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, bởi hoạt động ngân hàng đang chịu nhiều tác động từ các biến động của kinh tế thế giới và trong nước, có thể cần thiết phải sử dụng các biện pháp can thiệp.