Thông tin trực tiếp từ hiện trường về công tác tìm kiếm, cứu nạn ngư dân chìm tàu

NDO - Để tiếp cận thông tin từ hiện trường về công tác tìm kiếm, cứu nạn ngư dân 2 tàu QNa 90927 và QNa 90129 huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị chìm, chiều tối 18/10, được sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8002 và Trưởng ban - Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 hiện đang tham gia tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng quân y điều trị cho các ngư dân bị nạn.
Lực lượng quân y điều trị cho các ngư dân bị nạn.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Trung tá Trương Trường Quang, Trưởng ban - Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 cho biết, để ứng cứu, chăm sóc y tế kịp thời cho ngư dân gặp nạn, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 đã cử cán bộ, y bác sĩ và bảo đảm cơ số thuốc trong quá trình cứu nạn. Đến thời điểm này, lực lượng quân y tàu Cảnh sát biển 8002 đã tiếp cận và chăm sóc y tế cho 40 ngư dân.

Khi tiếp nhận ban đầu, có 4 ngư dân bị chấn thương như rách da đầu, rách mí mắt, uống dầu diezel trong quá trình vật lộn với sóng gió để sống sót. Các ngư dân nhanh chóng được sơ cứu, điều trị kịp thời.

“Một ngư dân uống dầu diesel bị rối loạn tiêu hóa, chúng tôi đã cấp thuốc điều trị. Các ngư dân bị thương đã ổn và được cấp thuốc uống nhiều ngày để điều trị dứt điểm vết thương. Một số anh em đau đầu, chóng mặt, huyết áp được thăm khám, cấp phát thuốc điều trị. Đến giờ cơ bản ổn định”, Trung tá Trương Trường Quang khẳng định.

Đối với các tàu cá và ngư dân tham gia cứu nạn, lực lượng quân y liên lạc thường xuyên qua kênh vệ tinh để nắm bắt tình hình và hỗ trợ khi cần thiết.

Hiện, tàu Cảnh sát biển 8002 tiếp tục triển khai các phương án tìm người mất tích như trực canh, đi ca, vị trí quan sát radar, mắt thường... Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện tàu nước ngoài đi qua đơn vị sẽ thông báo để cùng tham gia hỗ trợ cứu nạn.

Đại úy Lê Xuân Trường, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8002 cho biết, cán bộ, chiến sĩ tích cực triển khai các phương án tìm kiếm thực địa trên 70% vùng biển được giao.

Vùng biển tại khu vực này hiện sóng gió cấp 4-5, trong quá trình tìm kiếm vẫn chưa thấy vật dụng, mảnh vỡ của tàu bị chìm.

“Khu vực chúng tôi đang tìm kiếm có độ sâu 4.500-5.000m, điểm cạn nhất là 500m. Diện tích mỗi tàu tìm kiếm khoảng 80 hải lý. Chúng tôi vẫn tuân thủ, thực hiện đúng phương pháp tìm kiếm theo chỉ đạo của đơn vị”, Đại úy Lê Xuân Trường, Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 8002, khẳng định.

Thông tin trực tiếp từ hiện trường về công tác tìm kiếm, cứu nạn ngư dân chìm tàu ảnh 1

Không những tìm ngư dân, các đơn vị tìm tàu bị nạn, vì có thể ngư dân còn bám tàu trôi nổi trên biển.

Khó khăn nhất cho công tác tìm người mất tích là thời tiết diễn biến phức tạp. Tại vùng biển đang tìm kiếm ngư dân có sóng lừng và tầm nhìn hạn chế; áp thấp nhiệt đới đang hình thành gần bờ, nên công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ khó khăn hơn trong những ngày tới.

Đại tá Trần Quang Tuấn, Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 tích cực tìm kiếm nạn nhân chìm tàu.

Theo Đại tá Trần Quang Tuấn, nhận định ban đầu có thể xảy ra các trường hợp mất tích trong những tình huống: ngư dân văng ra khỏi tàu trôi nổi tự do trên biển; trong quá trình ngủ nghỉ ban đêm trên dàn phơi của tàu câu mực thì tàu chìm nhanh ngư dân vướng vào dụng cụ khai thác hải sản; một số ngư dân ngủ trong khoang tàu không kịp thoát ra khi tàu chìm do lốc xoáy.

“Thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, sóng lừng, tầm nhìn hạn chế nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực tìm người. Không những tìm ngư dân mà tìm cả tàu bị nạn vì có thể ngư dân còn bám tàu trôi nổi trên biển”.

Về công tác tìm kiếm cứu nạn, đến chiều tối 18/10, các đơn vị, lực lượng tham gia vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Tại khu vực tàu cá bị chìm phát hiện nhiều ngư cụ, vật dụng như phao, ngư lưới cụ, thùng phuy, áo quần, chăn màn cá nhân... trôi trên biển.