Phát huy hiệu quả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

NDO - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh phiên hội thảo.
Toàn cảnh phiên hội thảo.

Chủ trì hội thảo: Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; PGS, TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam.

Tham dự trực tiếp tại Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, đại diện lãnh đạo một số tỉnh ủy, thành ủy, UBND, các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đại diện lãnh đạo một số Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong nước và quốc tế về lĩnh vực lao động, việc làm. Dự trực tuyến có đại diện, chuyên gia của một số tổ chức quốc tế.

Hơn 30 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung phân tích làm rõ thực trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay và đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả công tác này.

Hạn chế về tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật

Từ thực tế hoạt động lao động Việt Nam khi làm việc tại nước ngoài, hầu hết các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều có chung đánh giá về những điểm yếu của lao động Việt Nam là: ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lài, Trường Đại học Kinh tế-Luật, mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục tăng nhanh nhưng chất lượng còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc; sức khỏe, tầm vóc, độ dẻo dai trong công việc còn hạn chế so với lao động nhiều nước và thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của nước sở tại.

Cụ thể, các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình IELTS là 5,78 điểm, thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6,64 điểm); Philippines (6,53 điểm) và xấp xỉ Indonesia (5,79 điểm).

Hầu hết lao động đi làm việc ở nước ngoài là lao động phổ thông, trình độ ngoại ngữ thấp nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc; sức khỏe, tầm vóc, độ dẻo dai trong công việc còn hạn chế so với lao động nhiều nước và thiếu hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của nước sở tại.

(Tiến sĩ Nguyễn Thị Lài, Trường Đại học Kinh tế-Luật)

Bên cạnh đó, ý thức, tác phong của người lao động còn ỷ lại, chưa chủ động thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình để đi làm việc ở nước ngoài, chưa thể tự giải quyết và chưa biết cách giải quyết những phát sinh trong công việc cũng như trong cuộc sống. Khi có phát sinh tranh chấp thường phản ứng bằng cách nghỉ việc, bỏ việc hoặc đình công trái quy định của nước tiếp nhận.

Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người lao động, mà cụ thể là việc chấp hành kỷ luật lao động, nội quy nơi làm việc, các cam kết trong hợp đồng lao động, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài còn kém hơn so với các các nước khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động hết hợp đồng không về nước hoặc tự ý bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, số lao động của tỉnh làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đến ngày 30/6/2022 là 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc (thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Năm 2022, vẫn còn 2 địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn (có 4 huyện khác đã từng bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là: Thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn).

Hoàn thiện chính sách bảo hộ, nâng cao chất lượng lao động

Từ thực trạng của người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các đại biểu dự hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo hộ cũng như quy định đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tăng cường công tác giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ người lao động.

Để giúp người lao động yên tâm làm việc ở nước ngoài, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình họ cũng như lợi ích kinh tế cho đất nước (thông qua thuế mà họ phải nộp, khoản đầu tư mà họ có thể thực hiện...), nhà nước cần quan tâm ký kết nhiều hơn các Hiệp định song phương về lao động. Đây là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ người lao động trong thời gian ở nước ngoài.

Các Hiệp định song phương này cho phép cụ thể hóa các điều kiện làm việc, quyền và lợi ích cụ thể của người lao động Việt Nam. Đặc biệt, các Hiệp định song phương là phương án thuận lợi nhất cho Việt Nam hiện nay khi chúng ta chưa phê chuẩn được các Công ước quốc tế về lao động di cư.

Hiện, việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài chủ yếu do các doanh nghiệp tổ chức nên cần có quy định cụ thể hơn nhằm tăng cường gắn kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người lao động.

Nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Lao động, Xã Hội và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung các Luật như: Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp; cần xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội... hướng đến sự đồng bộ giữa các văn bản luật để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Lao động, Xã Hội và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung các Luật như: Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp; cần xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội... hướng đến sự đồng bộ giữa các văn bản luật để tránh sự chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Về công tác đào tạo, nhiều đại biểu đề xuất cần có chính sách đào tạo lại lao động (về ngoại ngữ, tay nghề, kiến thức cơ bản về luật của nước sở tại và ý thức tổ chức kỷ luật...) nhằm nâng cao chất lượng lao động và ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động, tạo vị thế của lao động Việt Nam, đồng thời phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài.

Nhà nước cần cụ thể hóa chính sách, có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động do mình đưa đi làm việc tại nước ngoài. Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với xã hội, với người lao động và cam kết cùng Nhà nước chung tay xây dựng thương hiệu thị trường cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, uy tín và là chỗ tin cậy cho các doanh nghiệp nước ngoài khi sử dụng lao động người Việt Nam.