Thiếu túi đựng, phong trào không thể tiếp nhận máu hiến

Thi thoảng gặp, thi thoảng gọi điện cho lãnh đạo Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, nơi cung cấp máu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tôi không quên hỏi: “Có túi đựng máu chưa anh?”.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

Câu trả lời nhận được luôn là: “Chưa em!”. Lần nào cũng vậy, sự căng thẳng hiện rõ trong từng câu nói của vị lãnh đạo bệnh viện này bởi áp lực thiếu nguồn máu điều trị cho bệnh nhân tại nhiều bệnh viện ở miền Tây Nam Bộ luôn đè nặng.

Nghe đến cái túi đựng máu có vẻ đơn giản, nhưng thiếu túi đựng máu thì không thể tiếp nhận máu từ người hiến được. Các hoạt động hiến máu tình nguyện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vì thế phải tạm hoãn…

Thật ra, câu chuyện tạm ngừng tiếp nhận nguồn máu nhân đạo đã xảy ra từ tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ buộc phải ra thông báo tạm hoãn việc tổ chức hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2023.

Lý do bởi đơn vị gặp khó khăn trong việc đấu thầu trang thiết bị y tế phục vụ tiếp nhận máu, cụ thể là hệ thống túi máu. Đến bây giờ, sau nhiều tháng trôi qua, việc tiếp nhận nguồn máu nhân đạo này vẫn đang bị trì hoãn bởi các lý do nêu trên.

Chính vì cái túi đựng máu mà Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ, từng là một đơn vị có lượng máu dồi dào, cung cấp cho nhiều bệnh viện lớn khắp cả nước, nay phải trông chờ lượng máu tiếp tế từ các trung tâm khác. Điều này cũng kéo theo nhiều vấn đề mà nhiều người lo ngại:

Vì thiếu túi đựng máu, các chương trình hiến máu nhân đạo bị hoãn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những người tham gia; sau này, khi tổ chức lại các chương trình này, họ còn giữ được tinh thần hồ hởi, nhiệt tình như trước?

Việc thiếu túi đựng máu và các hóa chất liên quan sàng lọc, tiếp nhận máu tại đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra từ đầu năm nay. Nguyên nhân được chỉ ra là do Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ gặp vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu vật tư y tế, mặc dù bệnh viện đã sớm làm hồ sơ liên quan từ năm 2022.

Hiện nay, giải pháp khả dĩ, kịp thời nhất vẫn là Sở Y tế thành phố Cần Thơ đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố xem xét có nghị quyết phân cấp các bệnh viện trực thuộc Sở được quyền quyết định. Như vậy, việc mua sắm, đấu thầu của bệnh viện sẽ nhanh hơn khi không cần trình qua Ủy ban nhân dân thành phố.

Trước đó, quá trình mua sắm, đấu thầu đi được 1/3 chặng đường thì Bộ Y tế ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BYT ngày 14/4/2023 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Y tế ban hành khiến việc đấu thầu phải quay lại từ đầu. Ngày 30/6, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập khiến tiến độ đấu thầu một lần nữa bị chậm lại.

Để giải quyết tình thế, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành nghị quyết phân cấp các đơn vị sẽ tự quyết đối với những gói thầu từ 500 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, phương án này chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ số lượng túi máu, hóa chất…

Đến nay, dự án mua sắm hóa chất, vật tư trong các đơn vị y tế của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ năm 2023 đã hoàn tất thủ tục, tuy nhiên, chỉ có 347/394 mặt hàng được phê duyệt. 47 mặt hàng còn lại do tăng giá nên bệnh viện phải thực hiện quy trình lại từ đầu và bắt đầu từ ngày 25/7. Câu hỏi về cái túi đựng máu và các hóa chất liên quan từ giờ đến cuối năm, bệnh viện có mua sắm xong hay không các cơ quan chức năng vẫn chưa thể trả lời. Nguyên nhân đã được chỉ rõ, nhưng giải pháp thì chưa.

Hiện nay, giải pháp khả dĩ, kịp thời nhất vẫn là Sở Y tế thành phố Cần Thơ đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố xem xét có nghị quyết phân cấp các bệnh viện trực thuộc Sở được quyền quyết định. Như vậy, việc mua sắm, đấu thầu của bệnh viện sẽ nhanh hơn khi không cần trình qua Ủy ban nhân dân thành phố. Từ giờ đến lúc đó, tất nhiên, bệnh viện phải chờ đợi và hy vọng vào các đơn vị máu được tiếp tế. Như thế, nhiều người bệnh đang cần máu để điều trị vẫn tiếp tục chờ đợi…