“Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, tôi hiểu điều đó nên đã tham gia hiến máu nhân đạo và sẽ tiếp tục hiến chừng nào sức khỏe còn cho phép”, anh Nguyễn Văn T chia sẻ. Chị Minh Thu, 43 tuổi, là một luật sư tại Hà Nội, đã hiến máu tình nguyện hàng chục lần. Chị bày tỏ: Mình thường hiến máu định kỳ hằng năm do phường tổ chức, ngoài ra còn trực tiếp hiến tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, các điểm hiến máu lưu động”.
Phong trào hiến máu tình nguyện tại TP Hà Nội ngày càng phát triển. Thống kê của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 80 câu lạc bộ, đội tuyên truyền hiến máu nhân đạo với số lượng hội viên lên đến hàng nghìn người. Họ vừa là những cá nhân tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, vừa là ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần…
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Bùi Thị Hòa cho biết, hiến máu tình nguyện không chỉ để cứu sống người bệnh, mà chúng ta còn gieo thêm những hạt giống của lòng nhân ái, sự sẻ chia, tình yêu thương trong cuộc sống.
Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, công tác hiến máu tình nguyện đã đi vào ổn định cả về số lượng và chất lượng. Lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc năm 2022 đạt hơn 1,43 triệu đơn vị máu, trong đó 99% là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% số dân tham gia. Đi liền cùng đó là biết bao người đã hồi sinh trở về với nhịp sống đời thường...
Chị Trần Thị Hoan (trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) từng bị tai nạn, cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và cần tiểu cầu máu nhóm B để điều trị. Chị đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của những người tình nguyện hiến máu và vượt qua cơn nguy kịch. Chị xúc động bày tỏ: “Hành động cao đẹp của các anh, chị đã sinh ra tôi thêm một lần nữa. Tôi vô cùng biết ơn, khắc ghi trong lòng sự giúp đỡ của ân nhân. Tôi muốn gửi tới các anh, chị tấm lòng biết ơn chân thành, sâu sắc”