Cuộc khủng hoảng lao động tại Đức ngày càng trở nên gay gắt

Hàng loạt ngành, nghề của Ðức đang lao đao vì thiếu lao động. Dù chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm xoay chuyển tình thế, song đến nay vấn đề thiếu nhân lực vẫn là gánh nặng với nền kinh tế Ðức, vốn được dự báo triển vọng tăng trưởng tương đối ảm đạm.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở gần Passau, Ðức. (Ảnh REUTERS)
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở gần Passau, Ðức. (Ảnh REUTERS)

Khu vực công của Ðức đang vật lộn trước tình cảnh khối lượng công việc quá lớn trong khi nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, nhất là tại các văn phòng đăng ký công dân, cơ quan thuế, văn phòng nhập cư, trường học, sở cảnh sát...

Trong cả nước, ngoài khoảng 360 nghìn vị trí đang bị bỏ trống, dự báo sẽ còn có khoảng 1,3 triệu vị trí khác cũng sẽ trống trong khu vực công từ nay đến năm 2030 do nhân viên nghỉ hưu.

Một cuộc khảo sát của Quốc hội Ðức đã chỉ ra rằng, các dịch vụ chăm sóc trẻ em ở Ðức đang chật vật vì lỗ hổng nhân sự. Năm 2021, Ðức thiếu 378 nghìn vị trí tại các nhà trẻ và cơ sở chăm sóc ban ngày. Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Ðức (DIHK) cho biết, hơn 50% số công ty của nước này phải tìm cách lấp đầy các vị trí tuyển dụng do thiếu lao động lành nghề.

Ngày càng xuất hiện nhiều cảnh báo về hậu quả của cuộc khủng hoảng lao động tại Ðức. Chủ tịch Liên minh thuế quan Ðức Florian Kobler cho biết, mức lương và điều kiện làm việc không hấp dẫn sẽ cản trở việc tuyển dụng người thay thế cho lực lượng nghỉ hưu và điều này có khả năng làm chậm quá trình thu thuế. Một số chuyên gia cũng nhận định, tình trạng thiếu nhân viên trong lĩnh vực công sẽ kéo dài thời gian xử lý công việc và làm suy yếu đáng kể hiệu suất chung của đất nước.

Lỗ hổng nhân lực cũng cản trở quá trình chuyển đổi xanh của quốc gia châu Âu này. Theo kết quả khảo sát được thực hiện đối với 744 công ty tại Ðức, khoảng 60% số công ty được hỏi cho biết nỗ lực chuyển đổi xanh của họ gặp khó khăn do thiếu công nhân lành nghề. Khoảng 50% số công ty kỳ vọng nhân viên của họ có thêm các kỹ năng xanh vào năm 2025, như bảo trì và sửa chữa xe điện, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà...

Thời gian qua, hàng loạt biện pháp đã được giới chức Ðức thúc đẩy triển khai để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực. Quốc hội nước này vừa thông qua luật nhập cư mới, cho thấy quyết tâm cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng lao động cho nền kinh tế.

Ðức cũng đẩy mạnh hợp tác lao động với các nước khác. Hiện nhiều viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Ðức đang đối mặt nguy cơ đóng cửa do thiếu nhân lực trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, Ðức và Brazil tăng cường hợp tác về lao động ngành y tế. Phía Ðức cho biết sẵn sàng mở rộng cánh cửa chào đón các y tá, điều dưỡng viên Brazil. Hiện tại, mới có khoảng 200 điều dưỡng viên Brazil đang làm việc tại Ðức. Cơ quan Việc làm liên bang Ðức (BA) cho biết họ đã bắt đầu tuyển dụng lao động Brazil để cung cấp cho thị trường lao động Ðức từ năm 2018.

Bài toán thiếu lao động chỉ là một trong số nhiều thách thức mà nền kinh tế Ðức phải vượt qua, như lạm phát và chi phí năng lượng cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp, một số loại thuế cao, quá trình số hóa và khử carbon chậm chạp... Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian tới, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế này rất ảm đạm, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn.

Những hệ lụy của tình trạng thiếu hụt lao động đối với kinh tế, xã hội là không thể phủ nhận, mà trước hết là các lĩnh vực không thể vận hành bình thường và trở nên rối loạn, khối lượng công việc quá tải. Giải quyết cuộc khủng hoảng lao động là nhiệm vụ vô cùng cấp bách của Ðức trên hành trình phục hồi kinh tế thời kỳ sau đại dịch Covid-19.