Thiếu đá xây dựng đường liên kết vùng Thái Nguyên

NDO - Đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường đang gặp khó khăn rất lớn, đó là thiếu đá làm nền, giá tăng cao làm các nhà thầu lo lắng.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km đang thiếu đá xây dựng.
Tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km đang thiếu đá xây dựng.

Đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài gần 40km, kết nối 3 tỉnh có công nghiệp phát triển, do tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Sau 18 tháng triển khai xây dựng, hình hài tuyến đường đã định hình, mặt đường rộng 22,5 mét với 4 làn xe.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang khẩn trương, tập trung nhân lực, thiết bị thi công trên tất cả các mũi, mặt đường toàn tuyến cơ bản đã được đào đắp xong, một số đoạn đã bắt đầu rải đá dăm, thi công lớp bây thứ nhất.

Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên, Ngô Mạnh Cường, cho biết: Thời gian vừa qua, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn về thời tiết, giá cả vật liệu biến động mạnh, nhưng việc thi công tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên vẫn đạt tiến độ đề ra, giải ngân hết số vốn được giao năm 2023.

Đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát thường xuyên bám sát công trường để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, quản lý chặt chẽ chất lượng. Tuy nhiên, tuyến đường đang phải đối mặt với khó khăn lớn, tiến độ có thể sẽ bị chậm do thiếu đá xây dựng nền và cấp phối mặt đường.

Đoạn tuyến từ km22+25 đến km32+44 dài khoảng 10km, do Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng-Xây dựng-Thương mại Hoàng Sơn thi công, đến nay cơ bản đã đào đắp xong nền đường, đang vượt tiến độ đề ra. Ông Nguyễn Thế Cường, đại diện nhà thầu chia sẻ: Địa hình thi công phức tạp, khối lượng đất đào và đắp rất lớn, đoạn cần đào thì không có chỗ đổ, đoạn cần đắp thì không có đường vào, mưa kéo dài nên thi công gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Cường, với sự sát cánh của chủ đầu tư và chính quyền thành phố Phổ Yên, hầu hết các khó khăn về mặt bằng đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, từ nay cần khối lượng đá rất lớn để làm nền và cấp phối mặt đường, nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không đáp ứng đủ, phải lên tận tỉnh Bắc Kạn, sang tỉnh Tuyên Quang mua vận chuyển về nên chi phí tăng cao, khối lượng không đủ nên có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến.

Tương tự như vậy, Đội trưởng thi công của Tổng Công ty 319 Đỗ Đình Đại, lo lắng: Hiện nay nhiều đoạn trên tuyến bước vào giai đoạn thi công nền và mặt đường, cần lượng đá tiêu chuẩn rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không đáp ứng, phải mua ở tỉnh ngoài, vận chuyển rất xa nên giá đá cao hơn từ 60-70 nghìn đồng mỗi khối so với dự toán được duyệt. Đá xây dựng khan hiếm, không chỉ giá tăng cao gây thiệt hại cho nhà thầu mà tiến độ công trình có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được triển khai, nhu cầu đá lớn, các mỏ đá trên địa bàn không đáp ứng dẫn đến khan hiếm, giá tăng cao, không chỉ làm cho nhà thầu bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Không thể chờ đợi, một số nhà thầu xây dựng tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc mua đá tận tỉnh Hà Nam chở về để thi công cầu. Điều này cho thấy, các nhà thầu đang nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ đề ra.