Tìm cách đáp ứng nhu cầu về đá xây dựng ở Thái Nguyên

Từ nay đến đầu năm 2023, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đẩy mạnh thi công cho nên nhu cầu về đá xây dựng là rất lớn. Tuy nhiên, do không có vật liệu nổ, hầu hết các mỏ đá trên địa bàn đều hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động, khiến nguồn cung khan hiếm, giá đá tăng cao, công trình bị chậm tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương phải tạm dừng hoạt động vì không có vật liệu nổ công nghiệp.
Mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương phải tạm dừng hoạt động vì không có vật liệu nổ công nghiệp.

Những năm qua, 40 cán bộ, công nhân mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương sản xuất hàng chục nghìn mét khối đá xây dựng/năm, cung cấp cho nhiều công trình xây dựng giao thông, dân dụng trên địa bàn huyện và một số trạm trộn bê-tông trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, mỏ đá Núi Chuông tạm dừng hoạt động, nguyên nhân là do thời hạn cấp phép vật liệu nổ đã hết và chưa được cấp mới cho nên không có đá xây dựng cung cấp cho thị trường; chỉ duy trì bảo vệ mỏ, số còn lại không có việc làm, đời sống khó khăn.

Tương tự, thời gian qua, mỏ đá Hang Trai 1 ở xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ cũng phải tạm dừng hoạt động. Quản lý mỏ Hang Trai 1 Nguyễn Văn Kính cho biết: Nhu cầu đá xây dựng trên thị trường rất lớn, nhưng chúng tôi không thể ký hợp đồng cung cấp vì không có đá. Mỏ đá Minh Hiển ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ có công suất gần 50.000 m3 đá xây dựng/năm, thời gian qua hoạt động cầm chừng, tới đây phải tạm dừng hoạt động vì không có vật liệu nổ.

Tân Long là xã có nhiều mỏ đá nhất, cung cấp nhiều đá xây dựng nhất cho tỉnh với 12 mỏ, sau nhiều năm khai thác sôi động, nhưng đến nay có tám mỏ tạm dừng hoạt động, bốn mỏ còn lại hoạt động cầm chừng. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 20 mỏ đá được cấp phép khai thác trong những năm qua, nhưng đến nay hầu hết đều tạm dừng, số còn lại đều khai thác cầm chừng, không hết công suất vì thời hạn cấp phép sử dụng thuốc nổ sắp hết hạn, việc cấp phép mới gặp khó khăn. Nguồn đá xây dựng khan hiếm đang làm chậm tiến độ nhiều công trình và đội giá thành xây dựng.

Là doanh nghiệp sản xuất bê-tông tươi với quy mô lớn, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Hữu Huệ cho biết: “Hiện nay đang là cao điểm của mùa xây dựng, các công trình, dự án đều tranh thủ thời tiết nắng ráo để đẩy nhanh tiến độ, nhu cầu bê-tông phục vụ xây lắp trên địa bàn rất lớn, nhưng chúng tôi không đủ cung cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều mỏ đá dừng hoạt động, kéo theo nguồn cung đá xây dựng trên thị trường khan hiếm và giá mỗi mét khối đá tăng khoảng 30% so với trước”.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thiếu đá xây dựng trên địa bàn tỉnh là do thời gian vừa qua, hoạt động khai thác và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số bất cập, hạn chế.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn, bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với bảo vệ môi trường; chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi hết hạn khai thác.

Nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh khai thác chưa đúng thiết kế được phê duyệt, việc nổ mìn có nguy cơ mất an toàn, gây ô nhiễm môi trường, đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành chức năng kiểm tra, kiên quyết xử lý tồn tại nhằm đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp thì một số mỏ đá phải tạm dừng hoạt động.

Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên Nguyễn Bá Chính cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ cấp mới và cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trước thời hạn theo quy định khi nhận đủ các giấy tờ, mỏ đá đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, tuyệt đối không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Một trong những điều kiện là doanh nghiệp khai thác mỏ đá phải có thiết kế mỏ, khai thác đúng thiết kế mỏ thì mới được cấp phép, cấp lại vật liệu nổ”.

Trên thực tế, nhiều mỏ đá phải tạm dừng hoạt động đã gây nên việc thiếu hụt nguồn cung cho thị trường xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án. Để khắc phục tình trạng này, thời gian vừa qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác đá rà soát, hoàn thiện thiết kế mỏ, các thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính.

“Sở Công thương sẽ phối hợp Sở Xây dựng rà soát thực tế, hướng dẫn doanh nghiệp khai thác đá hoàn thiện, điều chỉnh thiết kế khai thác mỏ phù hợp với thực tế, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn để thực hiện cấp phép sử dụng vật liệu nổ nhằm hỗ trợ các mỏ hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn, ổn định thị trường”, ông Nguyễn Bá Chính chia sẻ.

Theo đại diện các đơn vị khai thác mỏ đá, việc tỉnh Thái Nguyên tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định về hoạt động khoáng sản, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là đối với lĩnh vực khai thác đá xây dựng, không để tình trạng khan hiếm kéo dài, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người lao động.