Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong sáu tháng đầu năm, thị trường đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng (quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so cùng kỳ); nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực, ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.
Mặc dù thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên thị trường và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Sáu tháng đầu năm, về nguồn cung: Đối với nhà ở thương mại, đã có 18 dự án hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai; nhà ở xã hội có tám dự án hoàn thành... Giá chào bán căn hộ chung cư bình dân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023, nhất là các thành phố lớn, chủ yếu do nguồn cung phân khúc này khan hiếm... Lượng giao dịch thành công đạt hơn 253 nghìn giao dịch, tập trung chủ yếu vào phân khúc đất nền.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 28/2/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động bất động sản đạt 1.113.673 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào bất động sản đạt khoảng 1,89 tỷ USD, tăng 4,7 lần so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong số đó, mới hoàn thành 75 dự án với quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án tương đương 15.379 căn và chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với khoảng 262.937 căn. “Nhìn vào những con số nêu trên, mục tiêu Chính phủ giao hoàn thành 130 nghìn căn nhà ở xã hội trong năm nay khó đạt được”, ông Đậu Minh Thanh nhận định.
Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Bộ đã hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ Về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Thành phố đã đề xuất bổ sung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Sở đã báo cáo UBND Thành phố Hà Nội đề xuất 9 khu đất để phát triển nhà ở xã hội tập trung với quy mô khoảng 600ha tại các quận, huyện gồm: Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh.
Hiện nay, Sở đang tiếp tục chủ trì phối hợp bên liên quan rà soát, củng cố thông tin về 9 địa điểm và bổ sung khoảng 5 địa điểm mới với quy mô khoảng 1.000-1.500ha dành để phát triển nhà ở xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho Thành phố Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu phân bổ về nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 338 giai đoạn 2021-2030, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và kinh tế địa phương.
Tập trung các giải pháp đồng bộ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong 2 quý cuối của năm 2024 là tập trung đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Cùng đó, Bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cân đối lại cung cầu, cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản, tăng cường công tác thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện nay, ngoài bốn ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank) có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Qua tổng hợp, đến nay mới có 32 trên tổng số 63 ủy ban nhân dân tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án. Trong số đó, một số địa phương đã công bố nhiều dự án như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh cùng có 6 dự án; Bình Định 5 dự án... Các ngân hàng thương mại đã giải ngân số tiền 1.234 tỷ đồng. Con số giải ngân này còn quá thấp so với nhu cầu do còn gặp nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ kịp thời.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải cho biết, các địa phương cần tích cực vào cuộc, kịp thời ban hành các quy định liên quan đến các luật: Nhà ở 2023 và Kinh doanh bất động sản 2023 để giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn các luật này đúng thời hạn. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại các dự án nhà ở thương mại, đã có sẵn hạ tầng; tích cực tham mưu để đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào tiêu chí đánh giá hằng năm và 5 năm của địa phương...
Theo Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng Hoàng Anh Tuấn, nhằm tháo gỡ chung cho các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó có nhà ở xã hội, Cục đã chủ trì, tham mưu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021 về quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm thể chế ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:
Tiếp tục đề xuất tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền, bảo đảm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng nêu tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn; điều chỉnh, bổ sung các quy định bảo đảm đồng bộ với các pháp luật mới ban hành.
Dự thảo Nghị định đã tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan liên quan, đang hoàn thiện để xin ý kiến Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, trước khi trình Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành, có hiệu lực sẽ đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thông thoáng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, trong sáu tháng đầu năm 2024, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa nhiều biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp. Nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán.
Bên cạnh đó, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà… cũng giúp gia tăng niềm tin cho khách hàng, tăng thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều, do đó, việc tìm hiểu kỹ thị trường để có hướng phát triển phù hợp rất quan trọng.
Bộ trưởng cũng đưa ra các giải pháp trong quản lý, điều hành chung cho các lĩnh vực trong toàn ngành. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình trong nước, quốc tế để có dự báo chính xác, tham mưu kịp thời và có giải pháp hiệu quả, phù hợp thực tiễn đối với khâu quản lý nhà nước về xây dựng. Cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngành xây dựng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, điều hành; rà soát phân công nhiệm vụ đúng người - đúng việc - đúng sở trường.
Từ đó, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trong công việc, trì trệ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm… Theo đó, ngành xây dựng cũng quán triệt việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; vận dụng nguyên tắc tập trung dân chủ và tăng cường phối hợp liên bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời, không phát sinh vi phạm, Bộ Xây dựng mong các địa phương phối hợp, đồng hành cùng hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ đổi mới cách thức tiếp cận, nắm bắt sát thực tiễn tại địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành; chủ động truyền thông chính sách để tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.
- Tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024.
- Tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so cùng kỳ.
- Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 43,1%.
- Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92,9%.
- Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch: 16,2%.
- Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý: 17%.
- Diện tích nhà ở bình quân: 26,3 m2 sàn/người.