Khơi thông nguồn vốn cho nhà ở xã hội

Thực hiện Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai Chương trình cấp vốn khoảng 120 nghìn tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân) với khoảng 900 căn hộ nhà ở xã hội, đưa vào hoạt động tháng 10/2022, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở. Nguồn: Báo Nhân Dân
Khu Nhà ở xã hội Imperial Palace (quận Bình Tân) với khoảng 900 căn hộ nhà ở xã hội, đưa vào hoạt động tháng 10/2022, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng chính sách chưa có nhà ở. Nguồn: Báo Nhân Dân

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai gói tín dụng này do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, đại diện cơ quan chủ trì cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, đã hướng dẫn các ngân hàng triển khai chương trình từ ngày 1/4/2023. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, theo số liệu tổng hợp được công bố tại Hội nghị này cho thấy, đến nay mới có 28/63 ủy ban nhân dân tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án, và chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng bảy nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền cam kết cấp tín dụng cho tám chủ đầu tư dự án là 1.965 tỷ đồng, đã giải ngân được 640 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là tại sao việc cấp tín dụng lại chậm trễ đến vậy?

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai chương trình đã vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Thứ hai, một số dự án gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Không chỉ vậy, việc cho vay còn gặp nhiều vướng mắc do nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn, nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, không đủ điều kiện để vay vốn tín dụng chính sách xã hội, chủ đầu tư khi bán nhà chưa giải chấp… Trong khi đó, người vay bị ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế chung, nguồn thu nhập đã sụt giảm mạnh. Do đó, việc ưu tiên duy trì nhu cầu cuộc sống được đặt lên hàng đầu, việc mua nhà trong thời điểm này không hoặc chưa xem xét.

Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của cả xã hội và người dân. Do đó, để khơi thông nguồn vốn này, cần sự quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương tạo cơ sở để chính sách an sinh xã hội này vào cuộc sống.

Mặt khác, Nhà nước nên tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, và cần chỉ rõ trách nhiệm, vai trò để mọi người, mọi tổ chức từ các cấp chính quyền đến doanh nghiệp phát huy hết khả năng, trách nhiệm, tâm huyết và đạo đức theo truyền thống lịch sử văn hóa Việt Nam "đoàn kết, lá lành đùm lá rách" trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Về phía mình, người dân cũng phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ trong tiếp cận nhà ở, cố gắng cao nhất trong điều kiện có thể, tinh thần là "không ai lo cho mình tốt hơn mình", tận dụng hiệu quả các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng.